Doanh nghiệp bán lẻ thời... 'thắt lưng buộc bụng'
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, theo nghiên cứu, có 60% người tiêu dùng Việt tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm.
- 09-05-2023Một hãng xe điện Trung Quốc tham vọng trở thành "Netflix của ngành công nghiệp ô tô", đưa xe made in China lên một tầm cao mới
- 08-05-2023Một loại nông sản của Việt Nam đang “làm mưa làm gió” tại Nhật Bản, xuất khẩu tăng mạnh hơn 2.300% chỉ trong 2 tháng đầu năm
- 08-05-2023Giá iPhone 14 Pro Max tại Việt Nam lại thiết lập đáy mới: Lỗ cả triệu đồng chỉ sau vài tuần
Parkson Việt Nam xin phá sản
Thương hiệu trung tâm thương mại Parkson có thể sớm biến mất khỏi thị trường Việt Nam, khi tập đoàn bán lẻ từ Malaysia này vừa thông báo đang làm thủ tục phá sản tại Việt Nam, do thua lỗ kéo dài từ thời điểm đại dịch COVID-19.
Một trong những nguyên nhân khác nữa, theo nhận định từ các chuyên gia, là do sức mua giảm bởi bối cảnh vĩ mô khó khăn. Trong năm tài khóa 2022, Parkson ghi nhận khoản lỗ khoảng 1,7 triệu USD (tương ứng gần 40 tỷ đồng) tại Việt Nam.
Ngoài Parkson, quý I vừa qua, hai ông lớn bán lẻ trong nước là Thế giới di động và FPT Retail đều bị sụt giảm hơn 90% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận mức lợi nhuận quý thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo doanh nghiệp, ngoài nguyên nhân người dân thắt chặt chi tiêu, thì việc phải tốn chi phí khuyến mãi, các đối tác cho vay trả góp thu hẹp hoạt động đã khiến kinh doanh kém sắc.
"Đối với mặt hàng công nghệ thì nhìn thấy sức mua giảm rõ rệt, mảng này chúng tôi đang giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn mảng nhà thuốc tổng thể vẫn đang tăng trưởng tốt do mặt hàng thuốc là thiết yếu, chưa thấy tín hiệu giảm chi tiêu ở đây", bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc Điều hành FPT Retail.
Theo giới phân tích, các ngành hàng giá trị cao như thiết bị di động, điện máy chịu ảnh hưởng lớn. Nhưng một số mặt hàng thiết yếu như bách hoá , thực phẩm, dược phẩm vẫn ghi nhận sức mua ổn định, tăng trưởng nhẹ.
Những tín hiệu tích cực
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, qua 4 tháng đầu năm nay tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia đánh giá mặc dù quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa chưa thể đạt bằng quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện không xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên tín hiệu tích cực là số liệu 4 tháng năm nay đã tăng gần 30% so với thời điểm 4 tháng năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch.
Điều này phần nào cho thấy hiệu quả từ sự điều hành của Chính phủ cũng như nỗ lực của doanh nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đang được ngành công thương tích cực triển khai giải pháp.
"Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để làm thế nào để hàng hóa trong nước đưa vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài. Tiếp tục phối hợp với các địa phương để triển khai bình ổn thị trường tại các thành phố lớn, đảm bảo hàng hóa thiết yếu luôn đến được tay của người dân", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết.
Tăng đầu tư dài hạn
Để hồi phục sức mua thì không chỉ dựa vào giải pháp ứng phó tình thế, mà ngay thời điểm này, các hoạt động đầu tư mang tính chiến lược, lâu dài vẫn đang được các doanh nghiệp bán lẻ lớn tính đến. Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chứng tỏ được sức hấp dẫn trong dài hạn.
Đầu tư hơn 5 tỷ USD vào thị trường Việt Nam và coi là thị trường quan trọng thứ ba sau Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhà bán lẻ Lotte Mart cho biết, đang tiến hành mở rộng mạng lưới bằng việc tăng thêm số trung tâm thương mại, tập trung phát triển mảng thực phẩm thiết yếu, bình ổn giá…
"Chúng tôi tận dụng thời gian này để tái cơ cấu, sửa chữa hệ thống, nâng cấp, nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng online. Tăng cường trải nghiệm, sản phẩm cho khách hàng. Trong trung và dài hạn thì thị trường Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc ngành Thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam cho biết.
Theo nghiên cứu, có 60% người tiêu dùng Việt tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm. Dù vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tổng chi tiêu trong đạt 5,5% một năm. Cao hơn mức chung của khu vực. Cho thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội, đây là lý do để các nhà bán lẻ tiếp tục đầu tư mở rộng.
"Năm 2023 sẽ tương đối khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ không cao. Tuy nhiên tôi cho rằng nhìn chung người Việt Nam vẫn có thu nhập tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại", ông Matthieu Francois, Giám đốc Hợp danh, McKinsey Việt Nam đánh giá.
Để vượt qua khó khăn trong ngắn hạn, các nhà bán lẻ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ vòng quay tiền mặt, giảm hàng tồn kho. Ngoài ra cũng rất trông chờ vào các chính sách hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng, từ đó tạo sức bật cho ngành bán lẻ.
Hôm 7/5, Chính phủ có tờ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đó đề xuất tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế giá trị gia tăng 10% được giảm về mức 8%.Thời gian áp dụng trong 6 tháng, tức đến hết năm 2023. Tiếp tục cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, sớm đưa ngành bán lẻ trở lại trạng thái tăng trưởng.
VTV