Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn được chia phần chi phí kinh doanh
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng họ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.
- 14-03-2023Hàng không tăng bay thuê chuyến Việt Nam - Trung Quốc
- 14-03-2023Đề xuất lao động nam được hưởng trợ cấp thai sản khi vợ sinh con
- 14-03-2023Quảng Nam đặt mục tiêu thu ngân sách đạt gần 27.000 tỷ đồng
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng sáng 14/3, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: Chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa.
Cụ thể trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít.
Tuy nhiên theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc cho rằng trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này.
Ông Tây cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Trong đơn kiến nghị, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng trên thực tế họ không phải nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối. Doanh nghiệp bán lẻ bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập.
"Doanh nghiệp bán lẻ hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng", đơn kiến nghị nêu.
Do đó doanh nghiệp bán lẻ cho rằng họ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.
"Kiến nghị Liên Bộ Tài Chính - Công Thương thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu?", đơn kiến nghị cho biết.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng họ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định
Trước đó, trong phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu cuối tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Còn vào đầu tháng 2, trong văn bản góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
VTV