Doanh nghiệp bảo hiểm tăng sức hút với nhà đầu tư
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang thể hiện rõ vai trò là chỗ dựa cho người dân ngay cả trong những giai đoạn khó khăn. Trong khi đó, sự thu hút của các doanh nghiệp bảo hiểm với các nhà đầu tư cũng khẳng định giá trị của các doanh nghiệp bảo hiểm và cổ phiếu bảo hiểm đang ngày càng hấp dẫn.
Ngành bảo hiểm: Chỗ dựa người dân mùa dịch
Giá trị cốt lõi của ngành bảo hiểm là quản lý rủi ro, mang đến sự bình an cho xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, càng trong những thời điểm cuộc sống khó khăn, bất an, người dân càng cảm nhận rõ ý nghĩa, vai trò của ngành bảo hiểm. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến khó lường, bất ổn do đại dịch Covid-19, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng và ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế.
Báo cáo số liệu từ cơ quan quản lý về bảo hiểm cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 96.799 tỷ đồng (tăng 16,2% so với cùng kỳ). Doanh thu bảo hiểm tương đương 3,5% GDP. Con số này cho thấy những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước.
Chọn mặt gửi vàng
Trong bình diện chung như trên, các thương hiệu bảo hiểm cũng đang có xu hướng bắt tay với các đối tác ngoại để gia tăng sức mạnh. Kể từ năm 2015, số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A). Nhờ có thêm làn gió từ các tổ chức tài chính ngoại góp vốn vào các công ty bảo hiểm trong nước, các dịch vụ bảo hiểm cung cấp ra thị trường cũng đang ngày càng chuyên nghiệp và phong phú hơn.
Trong đó, thương vụ Bảo Việt phát hành riêng lẻ thành công cho Sumitomo Life được diễn đàn M&A Việt Nam bình chọn là thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2019-2020. Với thương vụ này, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) đã đầu tư 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm 41.436.330 cổ phần BVH, tương đương 5,91% vốn điều lệ, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09%.
Trước làn sóng đổ bộ của các các doanh nghiệp bảo hiểm ngoại vào thị trường Việt Nam như trên, một doanh nghiệp bảo hiểm nhưng trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ - đang gây chú ý nhà đầu tư. Đó là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã MIG, sàn HOSE). Trong đó, sự tăng tốc kinh doanh của MIC đã để lại dấu ấn sâu sắc với doanh thu và lợi nhuận của MIC có xu hướng tăng ổn định trong các năm qua. Cụ thể, doanh thu bảo hiểm gốc tăng từ mức 1.921 tỷ đồng năm 2017 lên 1.925 tỷ đồng năm 2018 và tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới với 2.507 tỷ đồng năm 2019 và 3.157 vào năm 2020. Tương tự, lợi nhuận trước thuế tăng nhanh từ mức 56 tỷ đồng năm 2017 lên hơn 242 tỷ đồng năm 2020. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ biên khả năng thanh toán của MIC là 172%, thể hiện cơ cấu tài chính an toàn và bền vững.
Thời gian qua, MIC cũng đã chủ động phát triển nhiều sản phẩm mới sáng tạo như Bảo hiểm An ninh mạng cá nhân – bảo vệ khách hàng trước những rủi ro trong thời đại số; Bảo hiểm Olympic, một chương trình Bảo hiểm chuyên biệt dành cho những người đam mê thể thao, hay bảo hiểm Personal Hole-in-One. Bên cạnh đó, nhờ sự đầu tư ứng dụng công nghệ, phát triển bảo hiểm số đã giúp MIC tiếp cận được các khách hàng tốt hơn thông qua các giao dịch online. Giải pháp không những đem lại sự an toàn cho khách hàng, mà còn củng cố thế mạnh của công ty trong bối cảnh mới của thị trường bảo hiểm. Được biết, MIC là một trong những đơn vị đầu tiên trên thị trường cho ra mắt ứng dụng công nghệ Bồi thường siêu tốc Online qua App giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Với giải pháp này khách hàng chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại thông minh, bỏ qua hết những thủ tục rườm rà, phức tạp trước kia.
Điều này tiếp tục góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh tăng tốc, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 MIC đạt 1.904 tỷ đồng đạt tốc độ tăng trưởng tới 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc của MIC trên 32% cao hơn khoảng 5 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ, đứng Top 5 về thị phần. Đặc biệt, doanh thu bảo hiểm số ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước Công ty này cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận nửa đầu năm đạt 145 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu 6 tháng và tăng trưởng 44,3% so với cùng kỳ.
Với sự tăng trưởng cao như trên, MIC đang nằm trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng cao nhất thị trường. Thứ hạng của MIC theo đó cũng cải thiện liên tục trong mấy năm qua. 6 tháng đầu năm 2021 MIC đạt Top 5 về thị phần, đồng thời được tổ chức xếp hạng uy tín Vietnam Report bình chọn Top 5 thương hiệu Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam năm 2021.
(Nguồn: Dựa theo BCTC 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp Bảo hiểm Phi nhân thọ)
Sức ảnh hưởng của MIC còn gia tăng ở quy mô doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Cách đây 10 năm, quy mô vốn điều lệ của MIC là 300 tỷ đồng, nhưng đã tăng lên 800 tỷ đồng trong năm 2016 và tiếp tục tăng lên mốc 1.300 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2021, MIC tiếp tục quá trình mở rộng quy mô thêm 10% bằng đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020. Tổng số cổ phiếu mà Công ty phát hành thêm là 130 triệu cổ phiếu (tương ứng với tỷ lệ cổ tức chi trả là 10%). Sự mở rộng quy mô cộng hưởng với chiến lược đúng đắn của MIC trong việc đẩy mạnh đầu tư các dịch vụ số hóa đang giúp công ty liên tục gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và điều này càng củng cố lòng tin của nhà đầu tư đối với MIC.
Với sức hấp dẫn hiện nay, cổ phiếu MIG đã được thị trường đón nhận với mức tăng giá khá ấn tượng, đặc biệt trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Ngoài ra, MIC cũng đang nhận được một số đề nghị hợp tác của các đối tác quốc tế.
Về phía MIC, công ty này cho biết việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cũng đang trong chủ trương chung của Công ty, nhưng đó phải là những đối tác hội đủ các tiêu chí mà Công đề ra. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vừa qua, MIC cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc tìm kiếm đối tác ngoại, trong đó, những yêu cầu cơ bản là đối tác phải có thương hiệu quốc tế, có kinh nghiệm phát triển kinh doanh, có khả năng hỗ trợ Công ty về các mặt quản trị, hoạch định chiến lược, có khả năng xây dựng phát triển sản phẩm đa dạng và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại…