Doanh nghiệp bất động sản đang làm gì để tự cứu mình?
Ngoài việc tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại nhân sự, các doanh nghiệp bất động sản đang cố gắng xoay sở bằng cách giải bài toán hàng tồn hay đưa ra những chính sách ưu đãi chưa từng có để tạo thanh khoản.
- 29-03-2023Loạt doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết công bố thông tin tài chính, một công ty có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu gấp 27 lần
- 28-03-2023Điểm tên doanh nghiệp bất động sản ‘ôm’ nợ cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu
- 27-03-2023HoREA đề xuất những giải pháp gì để doanh nghiệp bất động sản "giải bài toán" dòng tiền?
Đẩy mạnh chính sách bán hàng
Thay vì ngồi chờ tín hiệu tích cực từ những yếu tố bên ngoài, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phía Nam cũng đang tập trung xử lý các sản phẩm đã mở bán trước đó, đồng thời, đưa cho khách hàng, nhà đầu tư những chính sách ưu đãi lớn. Thời gian qua, thị trường cũng đã xuất hiện những giao dịch "khủng" trong khoảng thời gian ngắn.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, chỉ trong 2 ngày cuối tháng 3, dự án The Classia Khang Điền của chủ đầu tư Khang Điền đã có giao dịch 4 sản phẩm có giá trị hàng chục tỷ đồng mang lại tổng doanh thu bán hàng hơn 121 tỷ đồng. Điều này cũng giúp các nhân viên môi giới có niềm tin vào thị trường trong bối cảnh thị trường ảm đảm và đặc biệt, với những dự án có pháp lý tốt chắn chắn sẽ mang lại sự yên tâm cho cả người mua và người bán.
Cũng trong quãng thời gian này, nhiều doanh nghiệp BĐS đang đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm kích cầu thanh khoản.
Đơn cử như, Phú Đông Group đang áp dụng phương thức thanh toán mới cho dự án Phú Đông Sky Garden (TP. Dĩ An, Bình Dương). Thay vì ân hạn nợ gốc và hỗ trợ vay, doanh nghiệp này hỗ trợ cho khách hàng được trả chậm sau khi nhận nhà. Khách hàng chỉ cần thanh toán 65% giá trị căn hộ là nhận nhà, 30% còn lại sẽ được áp dụng phương thức trả chậm trong 12 tháng với mức trả chỉ khoảng 5%/lần chia làm 6 đợt và không cần thông qua ngân hàng.
Hay như Hưng Thịnh, vừa qua đã chào hàng thị trường với dự án 9X An Sương tại khu Tây Bắc TP.HCM. Đây là căn hộ tầm trung quy mô gần 800 căn, giá bán từ 1,6 tỷ. Dự án này đã được giới thiệu ra thị trường từ cuối năm 2022 và hiện tại đang chào bán giai đoạn 1 đi kèm chính sách thanh toán ưu đãi. Và mới đây, doanh nghiệp này cũng vừa ra mắt dự án Avatar TP. Thủ Đức (TP. Thủ Đức, TP.HCM), cung cấp cho thị trường 2.366 căn hộ và 21 căn shophouse.
An Gia lại đang áp dụng chính sách không cần vay vốn ngân hàng, không áp lực thanh toán và không chờ đợi nhận nhà khi mua dự án Westgate Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và The Standard (TP. Tân Uyên, Bình Dương). Hiện, 2 dự án đã hoàn thiện cơ bản, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng từ tháng 4/2023. Cụ thể, với một căn nhà phố The Standard 1 trệt 2 lầu đã hoàn thiện, diện tích sàn 230m2 có giá bán khoảng 5,7 tỷ đồng, người mua chỉ cần thanh toán 30% (1,7 tỷ đồng) là có thể nhận nhà ở ngay hoặc cho thuê, kinh doanh mà không chịu áp lực tài chính ban đầu.
Tại Long An, Thắng Lợi Group cũng đang triển khai bàn giao sản phẩm và đưa ra các chính sách cho khách hàng mua các dự án Young Town Tây Bắc Sài Gòn, The Diamond City, Sài Gòn Town. Theo đó, khách hàng chỉ cần 220 triệu là có thể sở hữu nền nhà phố đã hoàn thiện 100% (tương đương khoảng 20% giá trị sản phẩm phần còn lại được giãn tiến độ 24 tháng), chiết khấu 29% với sản phẩm là nhà xây sẵn khi chọn phương thức thanh toán nhanh 95%. Nếu tiết kiệm dòng tiền, khách có thể chọn thanh toán 20%, chủ đầu tư cam kết thuê lại với lợi tức đến 240 triệu đồng trong 12 tháng…
Nói với Nhadatu.vn, ông Trần Thế Anh, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Thắng Lợi Group cho biết, dù thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng sẽ trở lại và Chính phủ cũng đã vào cuộc để gỡ khó cho thị trường, minh chứng là Nghị quyết 33 mới ban hành. Song song, các doanh nghiệp cũng đang đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, tạo dựng lại niềm tin cho khách hàng.
"Tôi tin thị trường BĐS sẽ khởi sắc trong thời gian sớm nhất, quý III hoặc quý IV năm nay. Ngoài ra, giai đoạn này cũng là thời điểm thích hợp để khách hàng, nhà đầu tư có thể lựa chọn được những sản phẩm BĐS với giá tốt và nhiều ưu đã từ các chủ đầu tư", ông Thế Anh cho hay.
Khó khăn chưa dừng lại
Giám đốc một doanh nghiệp BĐS ở TP.HCM cho biết, 3 năm qua, doanh nghiệp không có dự án mới mở bán. Từng là chủ đầu tư dự án phân phối cho các sàn môi giới BĐS thì nay để duy trì công việc cho hơn 100 nhân sự, công ty tổ chức ký kết với các chủ đầu tư khác để bán hàng. Kể từ đợt dịch COVID-19, nhân sự chỉ còn vài chục người. Đến năm 2022, nửa đầu năm khởi sắc, doanh nghiệp đặt ra loạt kế hoạch mới để triển khai.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường gần như tê liệt, do đó, công ty đang vay mượn khắp nơi để hỗ trợ tiền lương cho nhân viên. Theo tính toán của vị Giám đốc này, thị trường ít nhất phải hết 6 tháng đầu năm mới có tín hiệu hồi phục nên, sắp tới sẽ cắt giảm tiếp nhân sự, chỉ để lại bộ khung gồm các nhân sự chủ chốt.
Năm ngoái, việc cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp BĐS diễn ra trên diện rộng. Đơn cử như Đất Xanh, năm ngoái, doanh nghiệp này giảm nhân sự nhiều nhất. Tính đến cuối năm 2022, lượng nhân sự của doanh nghiệp là 3.773 người. Chỉ trong 3 tháng giảm 3.191 người, tương đương giảm gần 46% so với cuối tháng 9/2022 và giảm 2.660 người so với cuối năm 2021, tương đương 41,4%.
Trước đó, quy mô nhân sự của Đất Xanh đã ghi nhận đà tăng mạnh từ 6.433 người ở cuối năm 2021 lên đỉnh 7.392 người vào cuối quý II/2022.
Phía Novaland ghi nhận lượng nhân sự 1.404 người vào cuối năm 2022, trong khi, cuối quý II con số này là 1.932 người, giảm 528 người. Lượng nhân sự giảm mạnh nhất của doanh nghiệp này được ghi nhận vào thời điểm 3 tháng cuối năm 2022 là 434 người.
Tương tự là Phát Đạt, tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này có 355 nhân sự, giảm 67 người so với cuối tháng 9/2022, nhưng tăng 35 người so với cuối năm 2021. Khang Điền đến cuối năm vừa qua có 342 nhân sự, giảm 9 người so với cuối tháng 9/2022, nhưng tăng 23 người so với cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, ngoài vấn đề về pháp lý, doanh nghiệp BĐS phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, đi theo hướng bền vững. Trước đây, nhiều doanh nghiệp chạy theo giá cả, tạo ra những sản phẩm không phục vụ nhu cầu thực của thị trường. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải cơ cấu lại phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực với mục đích tạo dòng tiền để thanh toán, kích thích guồng quay kinh tế.
Trong thời gian qua, thị trường BĐS và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, nhất là về thủ tục pháp lý, nguồn vốn đầu tư, mất cân đối cung - cầu…
Nhằm nhận diện đầy đủ và khách quan về những khó khăn thách thức và rủi ro, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khơi thông ách tắc cho thị trường, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho thị trường BĐS - thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng zoom với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, chính quyền một số địa phương, các chuyên gia kinh tế cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông tin hội thảo sẽ được tường thuật trực tuyến trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thời gian diễn ra hội thảo từ 8-12h, thứ 5, ngày 6/4/2023 tại Hội trường tầng 2, Văn phòng Bộ KH&ĐT phía Nam, số 289 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.
Nhà đầu tư