Doanh nghiệp bất động sản làm gì để vượt qua “tâm bão”?
Nhiều công ty phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, thế nhưng trước bối cảnh ấy thì doanh nghiệp bất động sản phải làm gì để vượt qua “tâm bão”?
- 30-05-2023Nam Cường - Tập đoàn bất động sản một thời lớn bậc nhất Việt Nam, sở hữu quỹ đất đáng "ghen tị" trải dọc nhiều tỉnh thành, giờ tiềm lực ra sao?
- 29-05-2023Chỉ có hơn 1.700 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 5 tháng đầu năm, giảm 61% so với cùng kỳ
- 29-05-2023Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về giải thể, xếp chót về thành lập mới
Chủ đầu tư nín thở chờ “oxy”
Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều thách thức và thay đổi phương án kinh doanh. Đa số các doanh nghiệp phải giảm quy mô đầu tư từ cơ sở vật chất, quy mô dự án, tái cơ cấu nợ và tinh giản tối đa bộ máy nhân sự hoạt động.
Thậm chí, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động, để ứng phó với tình cảnh không mấy khả quan của thị trường bất động sản thời điểm hiện tại. Không phải ai cũng may mắn, nhiều lãnh đạo công ty còn phải chấp nhận giải thể doanh nghiệp hoặc tạm dừng hoạt động.
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1 năm 2023, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 (tăng 30,2%) và 1.816 (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước. Nhìn nhận một cách khách quan cho thấy, trong số đó có không ít doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính và kinh nghiệm đã bị đào thải khỏi cuộc chơi, sau một thời gian thị trường bất động sản phát triển “nóng”.
Điều này có lẽ đã được giới chuyên gia dự đoán ngay từ thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Cùng với đó là hàng loạt những biến động ở cấp “thượng tầng”, của một số tập đoàn kinh tế lớn đang hoạt động gắn liền với thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ về tiếp cận nguồn vốn và gặp các vấn đề về pháp lý để triển khai dự án,…
Những yếu tố trên đã tác động lớn đối với thị trường bất động sản, trực tiếp là các doanh nghiệp với vai trò là chủ đầu tư dự án. Không khó để thấy các doanh nghiệp bất động sản hiện đang gắng gượng xoay sở và nín thở chờ "oxy" để duy trì hoạt động. Kéo theo đó, hầu hết các dự án mà doanh nghiệp đang chuẩn bị triển khai hoặc đang xúc tiến xin chủ trương đầu tư đều bị chậm lại. Và hiển nhiên, cũng có những doanh nghiệp đã phải cắn răng từ bỏ mục tiêu tìm kiếm, mở rộng quy mô đầu tư bất động sản của mình và không tiếp tục triển khai dự án mới.
Việc này dẫn đến số dự án được cấp phép mới trong giai đoạn vừa qua sụt giảm mạnh. Nó đã tác động lớn và dẫn tới nguồn cung bất động sản bị thiếu hụt ở tất cả các phân khúc. Theo thống kê, đa số các giao dịch trong quý 1/2023 đều là những sản phẩm tồn kho từ năm trước. Thị trường có rất ít dự án mới, sản phẩm mới hoặc nhiều dự án dù đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, nhưng chủ đầu tư vẫn “ém hàng” chờ qua giai đoạn trầm lắng.
Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc một công ty chuyên đầu tư dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cho biết: “Thời gian qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án. Một số dự án dở dang công ty đang triển khai để bàn giao cho khách hàng, nhưng cũng rất khó để đúng theo cam kết trong hợp đồng. Giai đoạn vừa rồi, giá vật liệu tăng cao, chi phí đầu tư bị đội lên, nhưng chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện. Thị trường thời gian qua có quá nhiều biến động, bởi vậy công ty chúng tôi đã từ bỏ không phát triển dự án mới nữa”.
Theo chia sẻ của ông Trung, kể từ quý 4/2022, quy mô hoạt động của công ty buộc phải thu hẹp và cơ cấu tổ chức cũng phải tinh gọn lại. Có phòng ban của công ty chỉ còn giữ lại bộ khung cấp quản lý. Ông Trung cho rằng, thời điểm này, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các thủ tục pháp lý phê duyệt dự án, giao đất cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Trung cũng thẳng thắn chia sẻ, trong những yếu tố trên thì việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn một phần do các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, vì thế các tổ chức tín dụng không thể nhận thế chấp dự án và giải ngân cho chủ đầu tư. Ngoài ra, một vấn đề lớn nhất ở thời điểm hiện tại đó là lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản và chủ đầu tư dự án đang bị "xói mòn". Trong khi, nhiều kênh đầu tư khác đang đem đến sự an toàn hơn cho nhà đầu tư.
Doanh nghiệp cần bước chuyển mình toàn diện
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản đang hoang mang và quay cuồng trong “cơn bão” giải thể, tạm dừng hoạt động. Nếu các lãnh đạo doanh nghiệp không chèo lái “con thuyền” vượt sóng thành công, thì bản thân đơn vị đó sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường và các nhà đầu tư hoàn toàn mất niềm tin vào chính doanh nghiệp đó. Vậy, doanh nghiệp đầu tư bất động sản cần phải làm gì, để thoát khỏi “vũng lầy” và thậm chí là bứt phá trên thị trường?
Theo các chuyên gia bất động sản, ngoài vấn đề về pháp lý cần được tháo gỡ, thì doanh nghiệp nên điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, đi theo hướng bền vững. Các đơn vị phát triển dự án bất động sản buộc phải nỗ lực tìm ra những điểm khác biệt trong sản phẩm của mình. Và trên cơ sở đáp ứng được tối đa về nhu cầu, niềm tin cũng như khi nguồn cung tăng lên, thì có thể thị trường sẽ tiếp tục đón nhận và nhà đầu tư xuống tiền.
Ở thời điểm này, thay vì ngồi chờ tín hiệu tích cực từ những yếu tố bên ngoài, các doanh nghiệp bất động sản nên tập trung xử lý các sản phẩm đã mở bán trước đó. Đồng thời, chủ dự án cần đưa có những chính sách ưu đãi hấp dẫn, để thanh khoản các sản phẩm nhanh.
Theo chuyên gia kinh tế- PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, trước hết, các doanh nghiệp bất động sản cần phải đưa giá thành về với đúng giá trị thực của từng dự án. Vì trước đây, có những doanh nghiệp phát triển dự án ồ ạt, chạy theo giá cả, lợi nhuận mà đẩy giá thành sản phẩm lên cao, nhưng chất lượng lại không có sự tương xứng.
Đây là những doanh nghiệp đang chạy theo mức giá “ảo” của thị trường, theo mức giá trong những cơn “sốt” đất, nên các sản phẩm bất động sản được đưa ra thị trường với giá rất cao. Trong khi, chất lượng và tiện ích dịch vụ đi kèm lại không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Và trải qua những đợt khủng hoảng của thị trường, những doanh nghiệp với năng lực yếu kém đang dần bị loại khỏi thị trường.
Ngược lại, với các chủ đầu tư có tiềm lực, “sức khoẻ” tài chính tốt và khả năng phát triển được những sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thực, sẽ trụ vững và phát triển mạnh mẽ trên thị trường.
“Có thể thấy, thị trường bất động sản năm 2023 cần tái cấu trúc và thanh lọc mạnh mẽ hơn và cần có các dự án đáp ứng nhu cầu thực với pháp lý đầy đủ, thì mới thu hút được cộng đồng khách hàng. Điều này cũng giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và ổn định”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Cùng với sự ra đời kịp thời của những “bình oxy” từ phía Chính phủ, thì doanh nghiệp đầu tư bất động sản phải chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thích ứng với tình hình thị trường thời điểm hiện tại. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp đang kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại trong thời gian tới.
Báo Công thương