MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bất động sản thua lỗ kỷ lục

29-01-2023 - 10:33 AM | Doanh nghiệp

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, hàng tồn kho tăng, có số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Làm ăn bết bát

Trong quý IV/2022, Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) đạt doanh thu gần 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khiến LDG lỗ sau thuế gần 39 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên LDG kinh doanh thua lỗ kể từ quý III/2016.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do chi phí tài chính tăng cao. Cụ thể, trong quý IV LDG đã phải chi ra hơn 15 tỷ đồng chi phí lãi vay, hơn 31 tỷ đồng phân chia lợi ích hợp tác đầu tư và 20 tỷ đồng chi phí tài chính khác.

Doanh nghiệp bất động sản thua lỗ kỷ lục - Ảnh 1.

LDG chỉ hoàn thành 1,3% mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022.

Luỹ kế cả năm 2022, LDG đạt 276 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 4 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 16 đồng. Năm 2022, LDG đặt mục tiêu doanh thu là 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 LDG chỉ hoàn thành được 12% mục tiêu về doanh thu và 1,3% mục tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của LDG vào khoảng 7.930 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm. Hàng tồn kho ghi nhận 1.206 tỷ đồng, giảm 10,5% so với đầu năm tập trung chủ yếu ở dự án Khu dân cư Dịch vụ Giang Điền (214 tỷ đồng), dự án chung cư cao tầng tại đại lộ Võ Văn Kiệt (241 tỷ đồng), dự án Khu dân cư Tân Thịnh (463 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) có lợi nhuận chưa bằng một nửa so với năm 2021. Trong quý IV/2022, doanh thu thuần của Hải Phát giảm 16% so với cùng kỳ, còn 327 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hải Phát đã kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp hơn 34 tỷ đồng. Theo Hải Phát, nguyên nhân lỗ là do số lượng sản phẩm bán ra trong kỳ thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Dù lỗ gộp nhưng nhờ doanh thu tài chính từ việc bán các khoản đầu tư, cộng với các chi phí phát sinh trong kỳ cũng giảm mạnh, HPX vẫn lãi ròng hơn 18 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm 87% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế cả năm 2022, lãi ròng của HPX giảm 51% so với năm trước, ghi nhận gần 141 tỷ đồng. Như vậy, HPX chỉ thực hiện được gần 61% mục tiêu doanh thu và hơn 31% mục tiêu lợi nhuận. Nợ phải trả của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 giảm 7%, còn 5.640 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản thua lỗ kỷ lục - Ảnh 2.

Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư - Fideco lỗ gần 198 tỷ đồng trong năm 2022 - con số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng làm ăn bết bát trong năm 2022 là Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư (Fideco - mã chứng khoán: FDC). Theo đó, trong quý 4 doanh thu thuần ghi nhận hơn 4,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt từ 4,6 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng khiến Fideco báo lỗ ròng hơn 199 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 11 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, Fideco đạt 17 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lỗ gần 198 tỷ đồng - con số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do trong quý IV/2022 công ty trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi, đến từ Công ty CP Dệt may Liên Phương.

Không đạt kế hoạch

Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco - mã chứng khoán: HDC) trong quý IV/2022 có doanh thu thuần đạt 173 tỷ đồng, giảm 264 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hodeco cho biết, doanh thu sụt giảm nhiều do những yếu tố khách quan tác động không tốt đến lĩnh vực bất động sản. Sau khi trừ các khoản chi phí, HDC lãi sau thuế gần 171 tỷ đồng so với quý IV/2021.

Luỹ kế cả năm 2022, Hodeco đạt doanh thu thuần 1.298 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 421 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Tuy nhiên, Hodeco chỉ hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 98% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Tại 31/12/2022, tổng nợ phải trả của Hodeco là 2.558 tỷ đồng, tăng 11,6% so với con số đầu năm. Trong đó, nợ tài chính ở mức 1.690 tỷ đồng, tăng 346 tỷ đồng so với đầu năm. Sang năm 2023, Hodeco đặt kế hoạch doanh thu 1.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng và dự kiến duy trì cổ tức 25% bằng cổ phiếu.

Trong quý IV/2022, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) có doanh thu 1.234 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới 76% của doanh thu thuần khiến lãi gộp chỉ còn hơn 298 tỷ đồng, giảm 38,6% so với quý IV/2021.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần KDH đạt 2.912 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.081 tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm 2021. Như vậy, KDH đứt nhịp tăng trưởng lợi nhuận liên tục từ 2014. So với kế hoạch năm 2022, KDH mới chỉ hoàn thành được 73% mục tiêu về doanh thu và 77% mục tiêu về lợi nhuận.

Doanh nghiệp bất động sản thua lỗ kỷ lục - Ảnh 3.

EPS cả năm 2022 của Nam Long đạt 1.339 đồng, giảm đáng kể so với con số 3.099 đồng của năm 2021.

Tại 31/12/2022, Khang Điền có hơn 6.771 tỷ đồng nợ vay, tăng 4.218 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là khoản vay Ngân hàng OCB (3.275 tỷ đồng) và VietinBank (2.138 tỷ đồng), 1.100 tỷ đồng trái phiếu.

Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) cũng có doanh thu và lợi nhuận sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, quý IV/2022 doanh thu thuần đạt 1.629 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế đạt gần 590 tỷ đồng, giảm 23% so với quý IV/2021.

Luỹ kế cả năm 2022, Nam Long thu về 4.339 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 865 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2021. EPS cả năm 2022 đạt 1.339 đồng, giảm đáng kể so với con số 3.099 đồng của năm 2021.

Theo Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên