Doanh nghiệp 'bắt tay' đẩy giá vật liệu xây dựng?
Cùng với dịch COVID-19 bùng phát lại và diễn biến phức tạp, giá vật liệu xây dựng hơn một tháng qua “thi nhau” tăng, đặc biệt là giá thép, khiến cả người dân, doanh nghiệp điêu đứng. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp để đẩy giá nguyên vật liệu.
PV Tiền Phong khảo sát tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy) cho thấy, từ sắt thép, đá, xi măng cho đến gạch ống, gạch lót nền, gạch trang trí đều tăng khá mạnh. Cụ thể, cát vàng dùng để xây dựng hiện có giá 1,7 triệu đồng/xe 4,4 m3 (tăng 500.000 đồng/xe cát) so với năm ngoái. Trong khi đó, đá xây dựng hiện đã tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái lên 1,5 triệu đồng/xe 4,4 m3. Gạch ống loại thường được sản xuất thủ công hiện có giá bán 1.000 đồng/viên (tăng 100 đồng), gạch tốt 1.150 đồng/viên.
Đặc biệt, giá sắt, thép xây dựng tăng mạnh nhất và được điều chỉnh liên tục từ cuối năm 2020 đến nay. Trong 1 tháng nay, các đại lý còn điều chỉnh giá 2 ngày/lần. Đơn cử, sắt cuộn có giá 11.500 đồng/kg vào thời điểm trước tháng 7/2020, nhưng đến nay giá đã lên trên dưới 16.000/kg, tăng 4.500/kg. Một số đơn vị chuyên bán thép cũng báo giá theo tuần. Đơn cử, thép Hòa Phát được xuất tại kho ở Hải Dương giá 16.800 đồng/kg (thép cuộn D6, D8 và thép cây thanh vằn D14, D32 - L11,7m); thép cây thanh vằn D10 - L11,7 có giá 17.100 đồng/kg.
Giá thép Hòa Phát loại phi 22 được báo 280.000 đồng/cây, hiện nay lên 463.000 đồng/cây, tăng 65% so với tháng 6/2020. Còn Thép Việt Nhật phi 22 giá 489.000 đồng/cây, cao hơn 96.000 đồng, tăng khoảng 24% so với tháng 6/2020. Không chỉ có thép, xi măng cũng tăng giá theo với mức tăng 30.000 đồng - 40.000 đồng/tấn trở lên. Các đại lý cho hay, giá thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do giá quặng thế giới liên tục tăng từ đầu năm đến nay.
Lo ngại có sự bắt tay làm giá
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện tại, giá thép chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành xây dựng nên khi giá thép tăng đến 40%, nhà thầu không có cách gì chống đỡ.
Ông Hiệp cho rằng, các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này. Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng mà thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời. “Các nhà thầu gặp khó sẽ khiến cả công trình xây dựng tê liệt, như thế tổng sản phẩm GDP của cả nước sẽ không đạt được như Chính phủ đặt ra, bởi lẽ xây dựng chiếm đến gần 10% GDP của cả nước. Giá vật liệu xây dựng tăng sẽ đẩy giá tất cả các thứ lên, kéo theo giá thành bất động sản tăng”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói và đặt nghi vấn có hay không sự bắt tay giữa các công ty thép nhằm tăng giá thép lên cao? Đồng thời, ông Hiệp kiến nghị Chính phủ kiểm tra, xem xét nguyên nhân nào dẫn đến việc giá thép tăng như vậy, từ đó cần có biện pháp tháo gỡ cho từng loại dự án.
"Các nhà thầu gặp khó sẽ khiến cả công trình xây dựng tê liệt, như thế tổng sản phẩm GDP của cả nước sẽ không đạt được như Chính phủ đặt ra, bởi lẽ xây dựng chiếm đến gần 10% GDP của cả nước. Giá vật liệu xây dựng tăng sẽ đẩy giá tất cả các thứ lên, kéo theo giá thành bất động sản tăng".
Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguyên nhân tạo nên biến động bất thường giá thép thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 là sự mất cân bằng cung cầu sản phẩm thép thành phẩm. Ngoài ra còn do nguyên liệu đầu vào tăng, dẫn đến việc nhiều nhà máy thép liên tục có thông báo điều chỉnh tăng giá sản phẩm từ tháng 12/2020 đến nay. Còn các vật liệu khác như xi măng, gạch giá tăng không đáng kể.
Về việc giá thép liên tục tăng, Bộ Công Thương khẳng định, nghi vấn doanh nghiệp bắt tay tăng giá thép là không có cơ sở. Giải thích rõ hơn, Bộ Công Thương cho biết, năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn.
Tiền phong