MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Bình Dương ra đường... “săn” lao động

Doanh nghiệp Bình Dương ra đường... “săn” lao động

Sau Tết, hàng loạt doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương đồng loạt tuyển dụng lao động, nhưng để tuyển được công nhân thời điểm này không phải chuyện dễ.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng lao động tạm trú dịch chuyển ngược về quê, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương đã hoạt động lại.

Trên các con đường dẫn vào các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp đều đăng thông tin tuyển dụng từ 300 - 500 lao động, thậm chí là cả nghìn lao động. Tuy nhiên, số lao động đến đăng ký không thực sự cao khiến nhân sự tuyển dụng phải ra đường chờ người lao động.

Có nhu cầu tuyển 500 công nhân để mở rộng sản xuất, đưa ra mức thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng với nhiều chế độ đãi ngộ, nhiều ngày qua, Công ty Gỗ Chấn Thăng vẫn chưa tuyển đủ số lượng.

Doanh nghiệp Bình Dương ra đường... “săn” lao động - Ảnh 1.

Sau Tết Nguyên Đán 2022, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương ra sức tuyển dụng lao động để đảm bảo tiến độ các đơn hàng. (Ảnh: NLĐ)


"Lương, phụ cấp, chế độ riêng, mỗi công ty đều có phương pháp riêng để cạnh tranh tuyển lao động. Cả ban quản lý, cán bộ đều phải đi tuyển ở nhiều nơi để có cơ hội tuyển nhiều công nhân hơn, nhưng mỗi ngày cũng chỉ được 2 - 3 người", anh Nguyễn Đủ Em, Xưởng trưởng Công ty Gỗ Chấn Thăng, Bình Dương, cho biết.

"Do ảnh hưởng dịch năm ngoái, lao động hầu như đổ xô về quê. Đầu năm nay, tỷ lệ lao động ở quê vẫn nhiều. Mình phải trực tiếp vận động lao động xuống làm việc, bao vé xe, bao phòng trọ luôn", ông Trương Thái Anh, Giám đốc Công ty Giải pháp Nhân lực 24H Rev Up, chia sẻ.

Thống kê của ngành lao động tỉnh Bình Dương cho thấy, gần 100% doanh nghiệp ở khu công nghiệp đã khôi phục sản xuất với trên 91% lao động quay trở lại làm việc sau Tết. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần tuyển mới khoảng 40.000 - 45.000 lao động do các nhà máy tăng tốc sản xuất và cần bổ sung nhân lực, đặc biệt là lao động qua đào tạo.

"Các doanh nghiệp đang rất chú trọng vào những đối tượng này. Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp cũng phải tìm các giải pháp khác để thay thế cho nguồn nhân lực bằng cách thực hiện ngành nghề xanh, tự động hóa càng nhiều càng tốt", ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất Nhập Khẩu tỉnh Bình Dương, cho hay.

Nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đang liên kết tuyển dụng với các tỉnh có nguồn lao động để đưa trở lại làm việc, bên cạnh đó hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ lương thưởng, phúc lợi... nhằm giữ chân người lao động.

"Thiếu hụt lao động ở một khía cạnh là khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng ở góc độ khác cũng là thuận lợi cho người lao động có sự lựa chọn tốt hơn. Các doanh nghiệp nên có những chế độ, chính sách ưu đãi hơn, đặc thù hơn thì sẽ thu hút và giữ chân lao động bền vững hơn", bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, ngoài nỗ lực chăm lo của doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương cần tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh có chỗ ở ổn định để thích ứng lâu dài với dịch bệnh.


Theo Nguyễn Hương

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên