Doanh nghiệp BOT: "Dân ta quen được bao cấp 100% hạ tầng, nên khi phải đóng tiền mới có phản ứng như vậy!"
Trước bức xúc của một vài chuyên gia cho rằng doanh nghiệp đầu tư BOT là “tay không bắt giặc”, các trạm thu phí BOT đang “bủa vây người dân và doanh nghiệp vận tải”, lãnh đạo một doanh nghiệp BOT (xin được giấu tên) cho biết: BOT là hình thức đầu tư rất phù hợp để phát triển hạ tầng và giảm nợ công chính phủ.
- 20-05-2016Nghi án quay vòng vé tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
- 17-05-2016Đình chỉ thu phí nếu công trình BOT vi phạm chất lượng
- 17-05-2016Thu phí không dừng: Có thay đổi phương án tài chính các dự án BOT?
Thực tế hiện nay Nhà nước đang kéo Doanh nghiệp và Ngân hàng vào hoạt động này, vì nếu chỉ trông chờ vốn ngân sách và vốn vay ODA thì chỉ thực hiện được 20% kế hoạch phát triển hạ tầng hàng năm.
Về việc người dân và doanh nghiệp vận tải kêu ca về phí BOT, vị sếp này cho rằng: Việc đóng góp của người tham gia giao thông là rất bình thường. Hưởng dịch vụ hạ tầng tốt, an toàn thì việc trả tiền là đương nhiên.
“Từ trước đến nay, dân ta được bao cấp 100% hạ tầng, nên khi phải đóng tiền mới có phản ứng như vậy. Mức đóng phí BOT của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng không cao”, vị sếp này cho biết.
Liên quan đến phí BOT, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường từng khẳng định: Phí BOT của Việt Nam rẻ nhất khu vực Đông Nam Á .
Tại các trạm thu phí trên cao tốc, hầu hết đang thu với mức 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn, trừ Hà Nội - Hải Phòng thu với mức 2.000 đồng/km.
Các trạm BOT quốc lộ phổ biến 30.000-35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn, một số trạm là 45.000 đồng/lượt xe.
Mức phí này ở nước láng giềng Trung Quốc là 1 NDT/km, tương đương gần 3.500 đồng/km, còn các nước châu Âu khoảng 0,5-1 USD/km.
Về việc tham gia của ngân hàng trong các dự án BOT , vị sếp trên cho rằng đó là điều tất yếu. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là người xây dựng và quản lý vận hành dự án BOT còn Ngân hàng là người cấp vốn.
Nếu không có doanh nghiệp, Ngân hàng cũng không tự mình đi đầu tư BOT được. Ngược lại, không có Ngân hàng, Doanh nghiệp đầu tư 1-2 dự án là cạn vốn.
Tài sản đảm bảo đối với ngân hàng là dự án hình thành từ vốn vay, chi phí tài chính được tính vào chi phí đầu tư dự án, trên cơ sở tổng chi phí dự án, Bộ giao thông và bộ tài chính xem xét về giá vé và thời gian thu phí cho từng dự án.
“Nói chung với mỗi cấp đường bộ (cao tốc, quốc lộ) đều có một mặt bằng thu phí khá giống nhau do tổng chi phí đầu tư/1Km đường cũng không khác nhau nhiều giữa các dự án”.
“Người dân đi đường tốt sẽ an toàn hơn, tiết kiệm thời gian đi lại – chi phí cơ hội ít hơn, tiêu hao nhiên liệu và hao mòn xe ít hơn… Rất đáng để trả tiền”, lãnh đạo doanh nghiệp trên cho biết.
BOT là viết tắt của từ Build - Operate - Transfer (Xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao). Hợp đồng BOT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định.
Lợi ích nhà đầu tư được hưởng là việc tiến hành quản lý và kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn đầu tư và có được lợi nhuận hợp lý, hiện tại là thông qua các trạm thu phí BOT. Hết thời hạn kinh doanh, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình
Trí thức trẻ/CafeBiz