Doanh nghiệp cần làm gì để phục hồi sau “bão COVID-19”?
Đại diện các doanh nghiệp tham gia Open Talks – The paths forward – Những con đường phía trước.
“19” quét qua sẽ quật ngã nhiều doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp cố trụ lại và tồn tại được qua cơn bão sẽ là những cá thể tinh nhuệ và phát triển cực kỳ mạnh mẽ.
Nhận định trên được các CEO đưa ra tại Open Talks – The paths forward – Những con đường phía trước, do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức mới đây.
Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital đã có những đánh giá về triển vọng kinh tế khi tiêm chủng được đẩy nhanh và nới lỏng giãn cách. Dragon Capital đánh giá điều này cho thấy thị trường khá vững vàng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chịu nhiều ảnh hưởng của việc tăng cường giãn cách với hoạt động kinh tế xã hội.
Nhà đầu tư dường như đang hướng kỳ vọng vào một quý 4 tích cực hơn so với quý 3, khi tình trạng giãn cách sẽ được nới lỏng dần. Tuy nhiên, diễn biến giằng co cho thấy thị trường vẫn còn khá dè chừng. Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư.
Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đầu tư, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Dragon Capital, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số doanh nghiệp không đáp ứng được quy định, yêu cầu về nhà máy hoạt động trong thời gian dịch bùng phát. Việc giãn cách tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp FDI, đến người lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để lạc quan. Chúng ta không phủ nhận sự thật rằng đã có một cú sốc kinh tế lớn. Không thể phủ nhận điều đó. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh là rất bền bỉ và năng động. Chúng ta còn nhớ Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới vào năm 2020 đã có mức tăng trưởng dương, trong đó tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều có nền kinh tế bị tăng trưởng âm”, ông Tuấn cho biết.
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT U&I Group cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi khoảng 60 - 70% vào cuối năm sau. Tuy nhiên, khả năng tuyển dụng lại nhân sự sẽ rất khó khăn, vì vậy, nếu các nhà máy vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi. Nếu trước đây, các doanh nghiệp thường phải mất ít nhất 2 năm để phục hồi sau khủng hoảng, thì lần này sẽ mất thời gian lâu hơn.
Doanh nhân Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT U&I Group cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi khoảng 60 - 70% vào cuối năm sau.
Theo ông Mai Hữu Tín , hai ngành được xem là bị tàn phá nặng nề nhất bởi những ảnh hưởng của COVID-19 là du lịch và hàng không. Bên cạnh đó, so với khối doanh nghiệp Nhà nước thì khối doanh nghiệp tư nhân có sức phục hồi nhanh hơn vì họ tự quản nguồn tiền, họ có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng về những kế hoạch sắp tới trong thời gian nghỉ dịch.
“Ngay khi được mở cửa trở lại, họ sẽ có hướng đi khác, thậm chí có sự dấn thân lớn hơn nữa, sẽ có sự khác biệt lớn sau dịch. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đổi mới tư duy và thực hiện chuyển đổi công nghệ sớm”, ông Tín chia sẻ.
Đồng tình với ông Mai Hữu Tín, ông Lê Tuấn Anh nhận xét, cơn bão quét qua sẽ quật ngã nhiều doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp cố trụ lại và tồn tại được qua cơn bão sẽ là những cá thể tinh nhuệ và phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Sức khỏe doanh nghiệp, trình độ tài chính và quản lý, “độ sâu” doanh nghiệp đã hoàn toàn khác giai đoạn 15 năm trước nên sức bền của họ cũng đã khác xưa.
Còn ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch YBA/CEO Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ( PNJ ) thì cho rằng, bão đổ qua thì chắc chắn sẽ có cây nhỏ đổ rạp, nhưng các cây nhỏ muốn trở thành cổ thụ thì phải chịu đựng cơn bão. Đồng thời, ông Thông cũng có lời khuyên 3T “Tỉnh táo – Tài năng – Tái tạo” dành cho doanh nghiệp.
“Tỉnh táo” để thoát ra khỏi những hào quang trong quá khứ, không ngủ quên trong những trận đánh thắng đại dịch vào những đợt bùng phát trước; “Tài năng” là để tìm ra nhân tài trong đội ngũ, vì nhân viên là tài sản quan trọng nhất tạo nên bộ rễ của cây; “Tái tạo” tức là sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ không thể đi theo con đường như cũ nên phải khởi động lại và tái cơ cấu doanh nghiệp. Sau cơn bão thì đất sẽ rộng hơn nên lượng “hữu cơ” sẽ tăng lên”, ông Thông giải thích.
Diễn đàn doanh nghiệp