MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cần tạo điều kiện để người lao động phát huy sáng kiến

Doanh nghiệp cần tạo điều kiện để người lao động phát huy sáng kiến

Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến, ý tưởng sáng tạo đều là kết quả của trăn trở, sự tìm tòi, lao động hăng say của người lao động. Do đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục khơi gợi, lắng nghe, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến trong lao động sản xuất.

Hàng năm, các cấp công đoàn và doanh nghiệp đã phát động nhiều phong trào, hoạt động nhằm phát huy sức sáng tạo, cải tiến máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả lao động sản xuất. Thông qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Bàn tay vàng”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật"… mỗi năm, người lao động có hàng chục nghìn sáng kiến, cải tiến không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn nâng cao năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập.

Làm việc 5 năm tại Công ty TNHH Công nghệ cao Micro One, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội, chị Lê Thị Ánh Tuyết đã trải qua nhiều vị trí từ trực tiếp sản xuất, đến nay là Tổ trưởng một phân xưởng. Với đặc thù công ty sản xuất các phụ tùng, linh kiện phụ trợ, không cố định một mặt hàng, sản phẩm nào, do đó, chị Tuyết đã có hàng chục ý tưởng, sáng tạo giúp giảm công đoạn sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, năm 2021, chị Lê Thị Ánh Tuyết đã đưa ra sáng kiến cải tiến máy cắt miếng điệm Bakelit, tăng sản lượng ban đầu từ 2.000 sản phẩm lên 12.000 sản phẩm/ngày.

"Ban đầu tôi là người đề xuất phương án gia công, nhưng chỉ sản xuất được 2.000 sản phẩm/ngày, thấy qua 2 tháng làm như vậy tự hỏi làm sao mà đủ chi phí, tăng năng suất được, mà công việc cứ làm đi làm lại, không ổn. Tôi lại xuống với mọi người, cải tiến làm đi làm lại; có nhiều hôm quần áo dính đầy dầu mỡ, cuối cùng nghĩ ra phương án tận dung máy dập chế ra khuôn, mình chỉ bỏ chi phí ban đầu và cắt được 2 công đoạn, dập một lần là tạo ra một sản phẩm. Từ 2 công nhân rút xuống 1 công nhân đứng 2 máy" - chị Ánh chia sẻ.

Chị Lê Thị Ánh Tuyết chỉ là một trong nhiều người lao động tại doanh nghiệp có nhiều sáng kiến, cải tiến máy móc tăng năng suất lao động. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao Micro One, khi mỗi người lao động có ý tưởng được áp dụng vào thực tế sản xuất, doanh nghiệp lại có những mức tiền thưởng khích lệ tinh thần. Từ đó, người lao động hăng hái thi đua.

"Lãnh đạo công ty coi người lao động trực tiếp là tài sản của công ty, quan tâm những đổi mới sáng tạo của tất cả người lao động. Do đó, có ý tưởng là phải áp dụng vào ngay, sau đó đánh giá ý tưởng xem có mang lại lợi ích cho công ty không, mang lại lợi ích cho khách hàng không, có nâng cao chất lượng sản phẩm hay không…bởi ngoài lợi nhuận của công ty chúng tôi cũng quan tâm đến lợi ích của khách hàng" - ông Dũng cho biết.

Với Công ty TNHH Canon Việt Nam có hơn 22.000 công nhân lao động làm việc ở các địa phương, phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” được triển khai hàng tháng. Thường vào cuối tháng, những ý tưởng của người lao động đề xuất sẽ được đánh giá và lựa chọn khen thưởng trực tiếp. Đã có hàng trăm ý tưởng của người lao động được đề xuất mỗi năm, nhiều sáng kiến được ứng dụng, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.

Bà Đào Thị Thu Thúy, Trưởng Phòng An toàn, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: "Công ty có một Ban thi đua gồm Giám đốc, trưởng các bộ phận, hệ thống quản lý giám sát, sáng kiến đều được khích lệ, thi đua, chấm điểm khen thưởng hàng tháng.

Tôi thấy, người lao động thông minh và rất giỏi, các bạn phụ trách về kỹ thuật có thể thiết kế máy móc thiết bị, tiết kiệm nhiều tiền cho doanh nghiệp, thay đổi các khâu trong trong quá trình sản xuất. Chúng tôi vừa gửi hơn 500 sáng kiến, sáng tạo lên  Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, với trị giá làm lợi mỗi sáng kiến 80 triệu đồng là những sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế".

Thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19, tiềm năng sáng tạo của người lao động tiếp tục được phát huy. Từ những ý tưởng đó doanh nghiệp đã giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp phát triển. Chỉ tính riêng phong trào “75.000 sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động trong năm 2021 (từ ngày 10/3 đến 31/5/2021) đã có hơn 250.000 sáng kiến. Các sáng kiến đã được ứng dụng và mang lại giá trị làm lợi ước đạt hơn 148.000 tỷ đồng.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều sáng kiến đơn giản nhưng rất hiệu quả, góp phần xử lý những bất cập hàng ngày trong lao động, sản xuất. Giai đoạn 2022-2023, Tổng Liên đoàn tiếp tục triển khai chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” nhằm phát huy tinh thần thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: "Chúng tôi triển khai chương trình 1 triệu sáng kiến để một mặt giúp cho công nhân lao động thông qua các sáng kiến của mình đóng góp cho sự phát triển doanh nghiệp, nhưng đồng thời nó cũng chính là cơ hội để tăng thêm thu nhập cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước giai đoạn mà chúng ta đang phục hồi và phát triển kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng Chương trình sáng kiến này sẽ thúc đẩy người lao động tích cực sáng tạo, đóng góp sáng kiến tăng năng suất lao động".

Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến, ý tưởng sáng tạo đều là kết quả của trăn trở, sự tìm tòi, lao động hăng say của người lao động. Do đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục khơi gợi, lắng nghe, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến trong lao động sản xuất. Qua đó, lan tỏa tinh thần sáng tạo tới mọi đoàn viên, người lao động./.

Theo Phương Thoa

VOV

Trở lên trên