Doanh nghiệp cao su thiên nhiên đặt kế hoạch thận trọng
Mức giá bán bình quân các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đưa ra để lập kế hoạch kinh doanh 2018 vào khoảng 36-37 triệu đồng/tấn, giảm đáng kể so với mức 40 triệu đồng/tấn năm trước.
Giá cao su thiên nhiên trong nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018 rớt về mức thấp, đã có thời điểm xuống 170,9 JPY/kg. Việc này khiến các doanh nghiệp trồng cao su thiên nhiên thận trọng trong việc đặt kế hoạch năm tới.
Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 dựa trên mức giá bán cao su khoảng 36 triệu đồng/tấn, giảm 10% so với mức bình quân 40 triệu đồng/tấn năm trước. Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp mới công bố mang sắc màu khá ảm đạm.
Diễn biến giá cao su thiên nhiên kỳ hạn giao dịch tại sàn Tokyo 1 năm qua
Doanh nghiệp đầu ngành, Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) đặt mục tiêu giá bán cao su bình quân năm 2018 ở mức 36,56 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với giá bán bình quân năm 2017 (39,9 triệu đồng/tấn). Theo đó, chỉ tiêu doanh thu tiêu thụ của công ty cũng giảm 12,5% so với năm trước về 731,7 tỷ đồng và lãi gộp giảm 25,3% về 189,6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm của DPR cũng đã sụt giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá bán bình quân lũy kế 2 tháng của DPR đạt 36,6 triệu đồng/tấn, giảm 25% cùng kỳ năm trước khiến doanh số giảm 2% về 112 tỷ đồng và lãi gộp giảm từ 63 tỷ về 47,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần lợi nhuận đến từ sản xuất kinh doanh cao su là 9,2 tỷ đồng, giảm gần 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong tháng 2 công ty chỉ đạt vỏn vẹn 6 tỷ lãi gộp bao gồm 3,8 tỷ lãi sản xuất kinh doanh cao su.
Tương tự, năm 2018 Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) đề ra kế hoạch kinh doanh dựa trên giá bán bình quân 37 triệu đồng/tháng, giảm đáng kể so với mức bình quân 2017 là 40,39 triệu đồng/tháng. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo PHR tại đại hội thường niên mới đây thì giá bán cao su thương phẩm hiện nay dao động ở mức 35-36 triệu đồng/tấn và dự đoán thời gian tới có thể tăng nhẹ, biến động trong biên độ hẹp.
Dẫu vậy, nhờ các nguồn thu khác mà kế hoạch kinh doanh năm nay của PHR tương đương năm trước với 1.605 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 400 tỷ đồng. Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông thương niên 2018, ban lãnh đạo PHR cho biết giai đoạn 2018-2021 mỗi năm thanh lý bằng đấu giá khoảng 1.000-1.200 ha cao su, giá đấu có thể cao hơn 20-30% giá khởi điểm. Ngoài ra, công ty có nguồn thu từ bàn giao đất để triển khai khu công nghiệp VSIP, giao đất triển khai khu công nghiệp Nam Tân Uyên, cho thuê khu công nghiệp Tân Bình và mảng gỗ của Công ty Trường Phát đang có tín hiệu khả quan.
Cũng tại mức giá bán bình quân kỳ vọng 36,5 triệu đồng/tấn, thấp hơn năm trước gần 1 triệu đồng/tấn, Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu 498 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 113 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công ty cũng hạ sản lượng sản xuất từ 9.838 tấn xuống 8.700 tấn, sản lượng chế biến từ 14.822 tấn xuống 12.700 tấn và năng suất giảm từ 2,14 tấn/ha/năm xuống 1,96 tấn/ha/năm.
Chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2018 nhưng kết quả lũy kế 2 tháng đầu năm của Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) cho thấy có sự sụt giảm. Cụ thể, cộng dồn 2 tháng đầu năm công ty khai thác được 368,13 tấn, đạt 14,16 % kế hoạch năm tạm tính (2.600 tấn); thu mua được 247,6 tấn. Công ty đã giao bán 377,23 tấn đem về doanh thu 12,95 tỷ đồng. Theo đó, công ty ước tính quý I đạt doanh thu 18,3 tỷ đồng và lãi sau thuế 1,35 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước thì doanh thu tăng nhẹ nhưng lãi sau thuế giảm 20,5%.
Tại báo cáo chiến lược 2018, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá tiêu cực cho ngành trồng trọt cao su trong ngắn hạn nhưng tích cực với triển vọng dài hạn.
Trong khi đó, MBKE nhận định giá cao su có thể phục hồi nhẹ nhờ một số thông tin hỗ trợ như giá dầu, hàng hóa có tương quan cao su phục hồi đáng kể; Chính phủ Thái Lan đã công bố chương trình trợ giá 20 tỷ bath kể từ tháng 12/2017; các nước sản xuất cao su Thái Lan, Malaysia, Indonesia thống nhất cắt giảm xuất khẩu 350.000 tấn (từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018); cây cao su vào mùa thay lá (từ tháng 2 – 5), tạm gián đoạn nguồn cung.
Giá cao su đã phục hồi trong những ngày gần đây từ mức 170,9 JPY/kg lên 192,3 JPY/kg. Mới đây, Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm huy động 30 triệu baht (tương đương gần 1 tỷ USD) nhằm cắt giảm lượng cao su thừa, đẩy giá lên cao. Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Grisada Boonrach dự định cắt giảm khoảng 1-3,3 triệu tấn cao su dư thừa trước cuối năm nay.
NDH