Doanh nghiệp chậm trễ lên sàn có thể bị phạt tới 400 triệu đồng
Hiện vẫn còn gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường tập trung theo quy định hiện hành.
Ngày 15/12, Bộ Tài chính phối hợp với Sở GDCK Hà Nội tổ chức “Hội nghị triển khai một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, vẫn còn gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường tập trung theo quy định hiện hành. Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần của các DN trên qua thị trường tự do (OTC) vì không có kênh chuyển nhượng chính thức mà phát sinh nhiều vi phạm, tranh chấp.
Tồn tại này cũng khiến cho việc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước.
Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa. Một nội dung quan trọng của Thông tư 115 là khi đăng ký đấu giá cổ phần qua Sở GDCK, doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký luôn số lượng cổ phần đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo UBCKNN và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần kèm theo xác nhận của NHTM nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá.
Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả bán đấu giá cổ phần của DN cổ phần hóa, UBCKNN gửi thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá cho Doanh nghiệp cổ phần hóa, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá của UBCK, Sở GDCK đưa cổ phần vào giao dịch trên hệ thống UPCoM. Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống giao dịch UPCoM được xác định trên cơ sở giá thanh toán bình quân.
Không chỉ quy định khắt khe hơn về thời gian lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, các cơ quan quản lý cũng ban hành những quy định bổ sung về xử phạt vi phạm nghĩa vụ niêm yết, đăng ký giao dịch.
Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy đính:
“Hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn thì bị xử phạt như sau:
- Chậm đến 01 tháng: 10-30 triệu đồng
- Từ 01-03 tháng: 30-70 triệu đồng
- Từ 03-06 tháng: 70-100 triệu đồng
- Từ 06-09 tháng: 100-200 triệu đồng
- Từ 09-12 tháng: 200-300 triệu đồng
- Không thực hiện hoặc chậm hơn 12 tháng: 300-400 triệu đồng"
Hiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 217/2013/NĐ-CP (đang lấy ý kiến thành viên thị trường) hướng dẫn Khoản 16 Điều 1 Nghị định 145 dự kiến áp dụng với nhiều đối tượng.
- Công ty đại chúng hình thành từ doanh nghiệp nhà nước chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định pháp luật về cổ phần hóa
- Công ty niêm yết bị hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng
- Công ty hợp nhất từ các doanh nghiệp trong đó có công ty niêm yết mà sau hợp nhất, công ty hợp nhất đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và không đáp ứng điều kiện niêm yết theo quy định
- Công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết hoặc đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết.