Doanh nghiệp chịu tác động kép khi tăng lương tối thiểu vùng 2021?
Việc chưa tăng lương tối thiểu có thể giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp để tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động...
- 26-01-2021Global Times: Phép màu kinh tế Việt Nam liệu có tiếp tục tạo ra kỳ tích trong 2021?
- 26-01-2021Thủ tướng: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
- 25-01-2021Báo quốc tế in quốc kỳ Việt Nam trên nguyên trang và dành 6 trang nói về "Ngôi sao đang lên của châu Á"
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đại diện người lao động cho rằng có cơ sở để xem xét tăng lương song dưới góc nhìn của người sử dụng lao động, việc tăng lương trong bối cảnh hiện nay là chưa nên.
CHƯA TĂNG LƯƠNG, THU NHẬP GIẢM SÚT
Liên quan đến đề xuất này, Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm.
Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý 2/2021.
Chia sẻ về về vấn đề trên, PGS.TS Dương Văn Sao, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, năm 2020 dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn duy trì ở mức gần 3%, là cơ sở để đề xuất tăng lương.
"Để đạt được mức tăng trưởng ấy có đóng góp của người lao động, do đó điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2021 là hợp lý. Bên cạnh đó, lạm phát trong thời gian vừa qua tương đối cao đã ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của người lao động cho nên cần phải tăng lương bù vào để đảm bảo mức sống cho họ", PGS.TS Dương Văn Sao nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Ban thường vụ Công đoàn các khu chế xuất Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hết sức khó khăn về việc làm lại không được tăng lương đã ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của người lao động.
Theo ông Hải, chính sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã thay đổi nên từ đầu năm 2021 người lao động trên cả nước không được tăng lương định kỳ như những năm trước. Chỉ một số doanh nghiệp ổn định kinh doanh và quan tâm tới đời sống người lao động mới tăng lương nhưng không cao.
"Vì lẽ đó, tôi cho rằng đề xuất tăng lương tối thiểu là hợp lý, ít nhiều sẽ hỗ trợ cho những lao động đang gặp khó khăn", ông Hải nêu ý kiến.
DOANH NGHIỆP CHỊU TÁC ĐỘNG KÉP?
Trái ngược với quan điểm trên, phía doanh nghiệp – những đối tượng trực tiếp chịu tác động khi tăng lương tối thiểu vùng lại cho rằng chưa nên tăng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đồng thời là chủ một xưởng sản xuất hàng may xuất khẩu với gần 500 công nhân không đồng tình với đề xuất tăng lương tối thiểu từ tháng 7/2021.
"Năm 2020, ngành dệt may tăng trưởng âm, nhiều lao động phải giãn việc, ngừng việc. Dù thị trường hiện nay đang dần phục hồi nhưng chưa biết bao giờ mới quay lại được như trước kia", ông Hiệp nói và cho hay nếu tăng lương trong năm 2021 doanh nghiệp sẽ phải chịu tác động kép khi vừa tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội vừa phải ứng phó với dịch. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải lo tìm nguồn hàng dẫn đến "khó khăn chồng chất khó khăn".
Trước đó, cũng nói với VnEconomy về đề xuất này, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc tăng lương là vấn đề rất tế nhị trong bối cảnh hiện nay. Do đó, chưa nên đề cập đến chuyện tăng lương trong thời điểm này.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày- Túi xách Việt Nam cũng đề nghị không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021. Theo bà Xuân, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp trong ngành phải dừng, giãn việc rất nhiều. Doanh nghiệp thuộc hiệp hội bị ảnh hưởng từ 50 - 70% việc làm, phải chuyển sang làm các hình thức khác để duy trì sản xuất và việc làm cho công nhân.
Thậm chí, đại diện hiệp hội này kiến nghị nên giãn việc tăng lương tối thiểu từ 3 - 5 năm để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất, khi hoạt động ổn định mới có điều kiện tăng lương cho người lao động.
Trước đó, đại diện giới chủ, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bảo lưu quan điểm chưa nên tăng lương trong năm 2021. Theo Phó chủ tịch VCCI, mục tiêu trước mắt là bảo vệ hệ thống doanh nghiệp hiện có, bảo vệ việc làm rồi mới tính đến chuyện tăng lương.
Từ những thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, hiện kinh tế nước ta tăng trưởng dương nhưng chỉ tập trung ở một số lĩnh vực đặc thù. Do đó, thời gian tới vẫn cần có thêm những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để duy trì sản xuất kinh doanh, giữ việc làm.
Việc chưa tăng lương tối thiểu vùng cũng là cách để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp để tiếp tục phục hồi, phát triển và tạo việc làm cho người lao động.
VnEconomy