MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp chuẩn bị tiền tỷ cho tăng lương tối thiểu từ 1/7

Doanh nghiệp chuẩn bị tiền tỷ cho tăng lương tối thiểu từ 1/7

Từ 1/7, lương tối thiểu vùng chính thức tăng bình quân 6% so với hiện nay. Dự kiến các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động (LĐ) sẽ tăng chi phí trả cho nhân công lên hàng tỷ đồng/tháng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay, hiện đơn vị có hơn 7.500 LĐ, quỹ lương mỗi tháng từ 75-80 tỷ đồng. Mức lương bình quân DN đang trả cho người LĐ hiện là 8,4 triệu đồng/người/tháng và trả lương theo sản phẩm. Do đó khi tăng lương tối thiểu vùng, gần như chính sách tiền lương với người LĐ vẫn không nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, theo ông Việt, các chi phí gián tiếp khác sẽ tăng theo lương tối thiểu vùng, như kinh phí công đoàn, khoản đóng các chế độ BHXH, BHYT... các khoản này sẽ tăng thêm khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm (hiện 100 tỷ đồng mỗi năm cho các khoản này).

Bên cạnh đó, có một bộ phận người LĐ thâm niên làm việc lâu, hưởng lương theo hệ số, khi tăng lương tối thiểu sẽ phải điều chỉnh tăng cho nhóm này. Với lương mới, chỉ riêng phần lương hệ số đã bằng với mức lương của những người LĐ khác tính lương theo sản phẩm.

Lãnh đạo May 10 cho rằng, lương tối thiểu vùng sẽ tác động nhiều nhất tới nhóm DN tính lương theo giờ làm việc, dù mức lương hiện tại đã cao hơn lương tối thiểu nhưng có thể họ vẫn yêu cầu tăng tiếp.

Doanh nghiệp chuẩn bị tiền tỷ cho tăng lương tối thiểu từ 1/7 - Ảnh 1.

Lương tối thiểu tăng chưa chắc cải thiện thu nhập NLĐ, nhưng các khoản đóng góp của DN chắc chắn sẽ tăng lên tương ứng.


Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, cho biết, với tất cả DN, dù hiện trả mức lương nào, khi đã tăng lương tối thiểu chắc chắn chi phí nhân công sẽ tăng theo. Hiện công ty có khoảng 14 công ty trực thuộc, tổng số hơn 6.000 người LĐ, lương bình quân hơn 12 triệu đồng/người/tháng. Do mức lương hiện hành đã cao hơn rất nhiều lương tối thiểu vùng, nên việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ cơ bản không làm tăng thu nhập của người LĐ.

Tuy nhiên, chi phí khác liên quan tới người LĐ sẽ tăng, ông Dương dẫn trường hợp chi phí công đoàn, BHXH sẽ tăng. Mỗi tháng, riêng phần đóng của DN sẽ tăng thêm 1,6 tỷ đồng, mỗi năm thêm hơn 19 tỷ đồng. “Mức đóng BHXH tăng thì sau này người lao động nhận các chế độ trợ cấp hay lương hưu sẽ cao hơn, cũng là một cách tiết kiệm”, ông Dương nói.

Với DN dệt may, theo ông Dương, hiện đối mặt không ít khó khăn, khi đối tác nước ngoài có xu hướng kéo dài thời gian thanh toán, thay vì 30 ngày như trước, nay đã kéo dài lên 45-90 ngày. Cùng đó, một số thị trường như Mỹ, châu Âu có dấu hiệu bão hòa, khi người dân thắt chặt chi tiêu vì lạm phát.

“Khó khăn nhất sẽ là nhóm DN nhỏ và vừa, DN đang phải đi vay tiền để trả lương sau giai đoạn dịch COVID-19, DN trả lương theo giờ. Tuy nhiên, khi lương khối DN tăng cũng là cách để thêm sức ép cải thiện tiền lương cho người LĐ thuộc khối nhà nước, khi đã chậm lại hơn 2 năm chưa tăng”, ông Dương nói.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang chịu áp lực từ việc người lao động gây sức ép đòi tăng lương. Điều này tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp dựa trên mức lương tối thiểu (tăng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN). Không riêng ngành da giày, đây là vấn đề của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. "Để thu hút lao động, đa phần doanh nghiệp đã tăng lương từ đầu năm. Dù lương tối thiểu doanh nghiệp trả đã cao mức tối thiểu vùng, nhưng hiện nay người lao động vẫn yêu cầu phải tiếp tục tăng", bà Xuân nói.

Việt Linh

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên