MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tập đoàn doanh thu tỷ USD tại Đồng Nai cho 65.000 công nhân tạm nghỉ việc, vẫn phải trả 388 tỷ đồng tiền lương và bảo hiểm mỗi tháng

19-09-2021 - 16:00 PM | Doanh nghiệp

Một tập đoàn doanh thu tỷ USD  tại Đồng Nai cho 65.000 công nhân tạm nghỉ việc, vẫn phải trả 388 tỷ đồng tiền lương và bảo hiểm mỗi tháng

Lãnh đạo Phong Thái kiến nghị cho phép doanh nghiệp sớm được hoạt động trở lại, không cần giảm thuế vì nếu doanh nghiệp hoạt động sẽ có đủ nguồn để đóng thuế.

Sáng ngày 18-9-2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai. Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh trao đổi thông tin với các doanh nghiệp FDI về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2021 và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp FDI trong tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19. Có khoảng 40 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh tham gia hội nghị.

Đến nay, Đồng Nai đã thu hút 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với tổng vốn đăng ký hơn 32 tỷ USD, trong đó, dẫn đầu là Hàn Quốc với gần 7,1 tỷ USD. Riêng 8 tháng của năm 2021, thu hút vốn FDI được hơn 975 triệu USD.

Theo báo Đồng Nai, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, để duy trì sản xuất, có 1.143 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", chiếm 73,3% tổng số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp FDI thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhưng không thể kéo dài quá 2 tuần đã phải dừng hoạt động; số còn lại tiếp tục duy trì sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Báo Thanh niên đưa tin, tại Hội nghị, lãnh đạo tập đoàn Phong Thái, doanh nghiệp FDI 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) - doanh nghiệp da giày lớn thứ 2 cả nước - đã nêu khó khăn khi phải tạm đóng cửa nhà máy trong hơn 2 tháng qua để chống dịch.

Phía Phong Thái cho biết tập đoàn có 5 nhà máy tại Đồng Nai với 65.000 nhân công. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng tập đoàn phải chi 388 tỉ đồng, trong đó tiền lương cho công nhân khoảng 290 tỉ đồng và 98 tỉ đồng đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc. Ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái chia sẻ tại hội nghị cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì tập đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì trả mức lương tối thiểu vùng (4,4 triệu đồng/tháng/người) cho toàn thể người lao động vì không có doanh thu.

Một tập đoàn doanh thu tỷ USD  tại Đồng Nai cho 65.000 công nhân tạm nghỉ việc, vẫn phải trả 388 tỷ đồng tiền lương và bảo hiểm mỗi tháng - Ảnh 1.

Trước đó, tháng 7/2021, Phong Thái đã tạm ngừng hoạt động 3 nhà máy gồm: Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam, Công ty TNHH Dona Pacific và Công ty TNHH giàu Đồng Nai Việt Vinh. Đây là 3 nhà máy đặt tại địa bàn huyện Trảng Bom với hơn 30 ngàn lao động phải tạm nghỉ việc để phòng dịch Covid-19. NLĐ tạm nghỉ việc sẽ được các nhà máy chi trả quyền lợi đầy đủ và hưởng lương tối thiểu vùng 170 ngàn đồng/ngày/ người.

Lãnh đạo Phong Thái kiến nghị cho phép doanh nghiệp sớm được hoạt động trở lại, không cần giảm thuế vì nếu doanh nghiệp hoạt động sẽ có đủ nguồn để đóng thuế.

Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp FDI kiến nghị về những vướng mắc liên quan đến vấn đề mở cửa để khôi phục sản xuất kinh doanh như: ưu tiên vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho toàn bộ người lao động mũi 1, mũi 2; vấn đề chuyên gia nhập cảnh vào Đồng Nai để làm việc trong các công ty; việc thông thương hàng hóa, đưa đón lao động trở lại nhà máy làm việc...

Các doanh nghiệp kiến nghị cho người lao động đang ở trong vùng vàng, cam, đỏ được đi làm như vùng xanh để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đề nghị tỉnh nới rộng quy định cho người lao động các vùng nói trên được xét nghiệm và cách ly 7 ngày xét nghiệm lại, nếu có kết quả tiếp tục âm tính thì cho trở lại nhà máy làm việc. Ngoài ra, các ý kiến còn đề nghị tỉnh tiếp tục đơn giản các thủ tục hành chính và giải quyết qua online để doanh nghiệp bớt phải đi lại; giảm thuế, tiền thuê đất...

Ghi nhận những ý kiến phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch ưu tiên vaccine để tiêm phòng cho doanh nghiệp và phủ rộng toàn dân và đến nay tỷ lệ đạt 76% mũi 1 cho toàn dân.

Vấn đề các doanh nghiệp đề xuất cho người lao động từ vùng vàng, cam, đỏ trở lại nhà máy để sản xuất hoặc từ nhà máy trở về nơi cư trú, tỉnh sẽ xem xét, nhanh chóng mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng, cam, đỏ, để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất tốt hơn. Việc mở cửa và chấp thuận cho doanh nghiệp giải quyết số lao động đến, về phải tăng từ từ, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh nên tỉnh mong muốn doanh nghiệp cùng chia sẻ và hợp tác.

Ngay sau cuộc họp, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã văn bản số 3548/KCNĐN-LĐ yêu cầu các doanh nghiệp đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" trong các khu công nghiệp lập danh sách tất cả người lao động trong công ty chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 gửi về Ban để kịp thời phân bổ vaccine đầy đủ.

Kế hoạch của tỉnh là đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động trong các nhà máy để sau ngày 20-9-2021, từng bước khôi phục lại sản xuất bình thường. Trong các khu công nghiệp của tỉnh hiện có hơn 610 ngàn người lao động. Thời gian qua, một số doanh nghiệp có đông lao động đã được ưu tiên đủ vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng mũi 1, còn lại đạt 30-40%.

Tập đoàn Phong Thái (Feng Tay) mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam từ năm 1996, là đối tác chuyên sản xuất giày thể thao, thời trang và sản phẩm thể thao cho các nhãn hàng lớn trên thế giới như Nike, Dr. Martens,.... Đây là một trong 9 tập đoàn lớn tại Việt Nam đạt những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của nhãn hàng Nike.

Hoạt động tại Việt Nam chiếm 56% tổng công suất của Feng Tay, tiếp theo là 20% ở Ấn Độ và 14% ở Indonesia.

Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Feng Tay đạt 44,91 tỷ Đài tệ, tăng 14,54% so với 39,2 tỷ Đài tệ cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận ròng là 3,34 tỷ Đài tệ, tăng 50,77% so với 2,22 tỷ Đài tệ cùng kỳ năm ngoái.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên