Doanh nghiệp đã tới hạn chịu đựng
Nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi với nhiều chỉ số khởi sắc qua 7 tháng. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều mảng xám, mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn.
- 09-08-2023An Cường cho ra mắt bộ sưu tập gỗ Laminate đơn sắc hoàn hảo
- 09-08-2023Gói thầu 35.000 tỉ đồng sân bay Long Thành: ACV phản hồi khiếu nại của Liên danh Hoa Lư
- 09-08-2023Hàng nghìn tỷ đồng đã được chi ra để M&A các doanh nghiệp trong ngành hàng hải trong nửa đầu năm 2023
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn .
Ngày 8/8, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương lên tiếng về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp. Ông Phương cho biết, doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đang “bơi” trong khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, kinh doanh đình trệ, không có lãi.
“Xu thế kinh tế trong nước đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Để thúc đẩy tăng trưởng, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thừa nhận, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn. Nếu quá giới hạn, doanh nghiệp sẽ gục ngã, quá trình tích luỹ qua nhiều năm đổ bể, lao động mất việc.
Dịch COVID-19 đã qua gần 2 năm, nhưng kinh tế khó khăn hậu đại dịch vẫn ảnh hưởng nặng nề đến tình kinh doanh của doanh nghiệp. “Giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp rất cần vốn để phục hồi, thay đổi phương thức bán hàng, công nghệ quản lý, đòi hỏi đầu tư có chiều sâu, cùng với đó là vốn ngắn hạn để duy trì sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn hiện quá khó khăn”, ông Nam cho biết.
Đã có doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Để trợ lực trúng và đúng cho doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên hướng vào những nhóm doanh nghiệp cụ thể, không dàn trải. Bởi, bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn do khách quan, có phương án kinh doanh tốt, có một bộ phận doanh nghiệp chậm đổi mới, “đứng ngoài” quá trình hồi phục kinh tế.
“Chính sách hiện đã khá toàn diện, với cả giải pháp trực tiếp và gián tiếp. Điểm yếu vẫn là quá trình thực thi, trách nhiệm giải trình. Rất cần có cơ quan giám sát những kết quả đạt được, việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan thực hiện”, ông Nam nhấn mạnh.
Dù khó dự báo chính xác thời điểm khó khăn của khu vực doanh nghiệp “chạm đáy”, nhưng thực tế và nhiều dấu hiệu cho thấy, thời điểm khó khăn nhất đã qua. Ông Nam bày tỏ niềm tin, từ nay đến cuối năm, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, thị trường khởi sắc, tạo cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp phục hồi.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, theo xu hướng chung thường thấy, những tháng cuối năm, tăng trưởng dự báo sẽ tốt hơn, tạo đà hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Tuy nhiên, nhìn vào những yếu tố tác động tới sức khoẻ của doanh nghiệp, khó khăn vẫn bao trùm, thay đổi từ bên trong rất chậm. Như vướng mắc trong phòng cháy chữa cháy đã xuất hiện từ cuối năm ngoái, khiến doanh nghiệp thậm chí phải đóng cửa, thì đến nay, vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.
“Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tránh cán bộ công chức đùn đẩy, sợ sai. Tuy nhiên, cơ chế đảm bảo để cán bộ thực hiện, thì chưa rõ ràng. Tới đây, mong rằng với Nghị quyết riêng về môi trường kinh doanh, sẽ có giải pháp cụ thể, sát với từng vấn đề, tạo chuyển biến trong thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thành dự thảo Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để trình Chính phủ trong tháng 9 tới để cùng với các bộ, ngành, thúc đẩy quá trình thực hiện hiệu quả”, bà Thảo cho biết.
58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% tổng lương
Theo Báo cáo Thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 của Navigos Group vừa công bố, việc phục hồi kinh doanh các doanh nghiệp vẫn chưa diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới do doanh nghiệp đang phải đối mặt nhiều áp lực.
Theo kết quả khảo sát của Navigos Group (được thực hiện với sự tham gia của 500 doanh nghiệp đại diện cho các ngành trong lĩnh vực sản xuất), phần lớn doanh nghiệp dự đoán cần từ 12 tháng trở lên để thị trường có thể phục hồi trở lại. Có 39% doanh nghiệp được hỏi đã đưa ra dự đoán sẽ mất đến 12 tháng thậm chí hơn thị trường mới có thể phục hồi trở lại. Chỉ có 8% doanh nghiệp cho rằng kinh tế sẽ phục hồi sau 3 tháng.
Những chính sách giảm thuế, lệ phí và giảm lãi suất vay là mối quan tâm về kỳ vọng hàng đầu từ các doanh nghiệp. Số liệu từ báo cáo cho thấy, có từ 29 - 70% doanh nghiệp ở các ngành mong được Chính phủ hỗ trợ về giảm thuế, lệ phí. Bên cạnh đó, từ 7 - 50% doanh nghiệp ở các ngành kỳ vọng có sự hỗ trợ đến từ các chính sách giảm lãi suất vay. Còn lại, một số ít doanh nghiệp muốn đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tiền thuê đất, và một số mong đợi khác.
Thục Quyên
tienphong.vn