MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ

Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi gì ở tổ công tác này? Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) về vấn đề này.

Ông có đánh giá gì về quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Đây là một quyết định rất cần thiết được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, bởi lẽ trên thực tế có rất nhiều dự án đầu tư cả trong nước và nước ngoài gặp khó khăn, vướng mắc cả về thủ tục pháp lý, đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư… Các doanh nghiệp, nhà đầu tư kỷ vọng Tổ công tác sẽ hoạt động hiệu quả để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc đó.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 1242 được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá của Ông, 2 Tổ công tác này có gì khác nhau?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Tổ công tác đặc biệt mới được thành lập theo Quyết định 1242 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong trong xâu chuỗi các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiệm vụ của Tổ công tác mới được quy định cụ thể và toàn diện hơn, cụ thể là: Tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ̉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.


photo-1

Tổ công tác đặc biệt mới được thành lập theo Quyết định 1242 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong trong xâu chuỗi các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiệm vụ của Tổ công tác mới được quy định cụ thể và toàn diện hơn

Ông Nguyễn Văn Toàn

Ngoài ra, theo Quyết định 1242, Tổ công tác còn có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao nhằm vận động, xúc tiến đầu tư; thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển,…

Tóm lại, Tổ công tác theo quyết định 1242/QĐ-TTg là Tổ công tác đặc biệt với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn rộng hơn, bao trùm hơn và cụ thể hơn.

Nhìn lại những năm trước đây, có thể thấy không phải Tổ công tác nào được thành lập cũng hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Ông có đánh giá gì về khả năng thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác quan trọng này?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Tổ công tác theo quyết định 1242 có quyền hạn rất lớn. Đó là: được yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉ̉nh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

Đặc biệt, Tổ trưởng tổ công tác là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Phạm Bình Minh, Tổ phó thường trực là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các thành viên tổ công tác là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan.

Tôi tin rằng, với cơ cấu nhân sự như vậy và với quyền hạn đã được quy định, Tổ công tác sẽ có điều kiện thuận lợi để giải quyết những vướng mắc mà các Tổ công tác trước đây chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, do thành viên tổ công tác đều hoạt động kiêm nhiệm, để Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của mỗi thành viên Tổ công tác và sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước Trung Ương và địa phương, với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngoài ra, Tổ công mới được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 850/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên theo tôi cần tổng kết, đánh giá rút ra bài học sau một năm hoạt động của Tổ công tác trước đây để hoạt động hiệu quả hơn.

Ông vừa đề cập đến sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp với hoạt động của Tổ công tác. Vậy trong thời gian qua VAFIE đã có sự phối hợp như thế nào với Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định 850 của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Chúng tôi đã có nhiều hoạt động hợp tác với Tổ công tác được thành lập theo Quyết định 850 trong việc tháo gỡ các vướng mắc, nhất là rào cản pháp lý đối với đầu tư nước ngoài. Trụ cột của Tổ công tác này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn đối với Hiệp hội, do đó sự phối hợp khá thuận lợi.

Hiệp hội đã thường xuyên tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác, góp ý xây dựng và hoàn thiện luật pháp chính sách đối với đầu tư nước ngoài. Đơn cử gần đây nhất, ngày 7/6/2021, VAFIE đã có văn bản số 10/HH DNĐTNN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh. Kèm theo văn bản này là một tài liệu gồm 50 trang tổng hợp những vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp liên quan đến các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính và đề xuất kiến nghị sửa đổi.

Hiệp hội cũng đã nghiên cứu kỹ và có ý kiến góp ý về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Tôi cho rằng, đây là một văn bản pháp lý rất quan trọng, khi được ban hành sẽ có tác động tích cực hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là đầu tư vào các dự án công nghệ cao, các công trình trọng điểm quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Theo Anh Phong

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên