MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp dệt may đồng loạt giảm sút nghiêm trọng trước khủng hoảng Covid-19, riêng TCM, GIL vẫn "ngược dòng" tăng trưởng mạnh mẽ

04-11-2020 - 06:59 AM | Doanh nghiệp

Được biết, GIL hiện sản xuất đa dạng các mặt hàng dệt may như túi xách, balo, đồ ngoài trời, quần áo… Hai đối tác lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là Amazon và IKEA – đều là hai đơn vị lớn trên thế giới, năng lực tài chính mạnh, đặc biệt vẫn kinh doanh tăng trưởng giữa đại dịch với doanh thu chủ yếu từ kênh online.

Là một trong những ngành từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra đều phụ thuộc vào thị trường ngoại, dệt may liên tục chịu khủng hoảng từ đầu năm 2020 do dịch Covid-19. Đầu tiên là đợt bùng dịch tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đối mặt với thiếu hụt nguyên vật liệu trầm trọng, khi đến 70-80% đầu vào nhập từ quốc gia này.

Bước sang quý 2/2020, dịch bệnh bùng phát và lan nhanh sang các nước châu Âu, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục bị giáng đòn đầu ra. Đơn hàng bị giãn, huỷ, thậm chí hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng là những khách hàng trọng yếu của nhóm dệt may Việt Nam tuyên bố phá sản trên thế giới đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp nước ta.

Thống kê cho thấy, từ tháng 4 khi dịch bệnh bắt đầu lây lan sang các nước phương Tây, một làn sóng phá sản đã manh nha và tăng mạnh sang tháng 5/2020. Đầu tháng, thương hiệu J.Crew – ông lớn tại Mỹ thành lập từ năm 1947 với quy mô 492 cửa hàng, doanh thu năm 2019 đạt 2,5 tỷ USD đệ đơn phá sản.

Chỉ sau vài ngày, Mỹ tiếp tục thụ đơn phá sản với Neiman Marcus, tập đoàn có thâm niên hoạt động 94 năm với doanh thu 2019 lên đến 4,9 tỷ USD. Cùng một loạt các thương hiệu lớn khác như J.C.Penney (Mỹ, thành lập năm 1902, đệ đơn ngày 15/5), Brook Brothers (đệ đơn ngày 8/7), RTW Retailwinds ngày 13/7, Ascencure…

Doanh nghiệp dệt may đồng loạt giảm sút nghiêm trọng trước khủng hoảng Covid-19, riêng TCM, GIL vẫn ngược dòng tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 1.

Kết quả, tính đến cuối tháng 9/2020, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 25,584 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại dệt may cũng giảm hơn 12% xuống còn 13,765 tỷ USD, chiếm 53% tỷ lệ giá trị gia tăng, theo báo cáo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas).

Tại hội thảo mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, phân trần ngành dệt may Việt Nam từ đầu năm 2020 trải qua 3 cung bậc lớn. Trong đó, mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là 40 tỷ USD, tuy nhiên dưới áp lực từ dịch Covid-19, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành giảm sâu, có mặt hàng giảm đến 80-90%, vì vậy kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ bỏ xa kết quả thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019.

Thiếu hụt đơn hàng, sau 9 tháng doanh nghiệp dệt may đồng loạt giảm sút

Thống kê chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn cũng vẽ nên bức tranh u ám, nguyên nhân chính là hao hụt đơn hàng. Đáng kể nhất, May Sông Hồng (MSH) sụt giảm đến 70% lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2020, chỉ còn 52 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, con số lợi nhuận cũng giảm phân nửa về 201 tỷ đồng.

Chuyên sản xuất sản phẩm may mặc và chăn ga gối đệm, sản phẩm may mặc chủ lực của MSH hiện nay là gia công và hàng xuất khẩu theo hình thức FOB (giao hàng lên tàu). Đây cũng là động lực tăng trưởng chính của MSH những năm gần đây. Song, dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường trọng điểm gồm Mỹ khiến MSH bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước đó, khách hàng chiếm đến 13% doanh số tại Mỹ là RTW Retailwinds Inc. (OTC PINK: RTWI) - công ty mẹ của New York & Co – đệ đơn phá sản, MSH dự kiến sẽ trích lập dự phòng liên quan trong năm 2020.

Hay Việt Tiến (VGG), thương hiệu lâu đời tại Việt Nam chuyên sản xuất hàng may mặc và xuất đi các nước, quý 3/2020 lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 47%, từ mức 140 tỷ (quý 3/2019) chỉ còn hơn 46 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận Việt Tiến chỉ còn khoảng 85 tỷ, chưa đến ½ mức cùng kỳ năm 2019.

Theo giải trình từ phía Việt Tiến, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Hàn Quốc, Mỹ và EU – đây là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Tổng Công ty, các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm và huỷ số lượng lớn các đơn hàng, sức mua trong nước cũng giảm dẫn đến doanh thu quý 3 giảm so với cùng kỳ.

May 10, Vinatex, TNG... cũng chịu cảnh giảm sút lợi nhuận trong quý 3/2020. Cần nhấn mạnh, TNG dù doanh thu nội địa liên tục phát đi tín hiệu khả quan nhờ chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ. Song, từ tháng 6/2020 nhóm sản phẩm này đã hạ nhiệt nhanh chóng, bằng chứng không còn kéo được chỉ số của TNG trong quý 3/2020.

Doanh nghiệp dệt may đồng loạt giảm sút nghiêm trọng trước khủng hoảng Covid-19, riêng TCM, GIL vẫn ngược dòng tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 2.
Doanh nghiệp dệt may đồng loạt giảm sút nghiêm trọng trước khủng hoảng Covid-19, riêng TCM, GIL vẫn ngược dòng tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 3.

Lợi thế từ quan hệ xuất khẩu và kênh online, TCM, GIL vẫn "ngược dòng" tăng trưởng mạnh mẽ

Ngược lại, vẫn có điểm sáng giữa bức tranh u ám. Dệt may Thành Công (TCM) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh quý 3/2020, lợi nhuận sau thuế tăng 46% lên 106 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, TCM thu về 249 tỷ lợi nhuận, tăng 29%.

Theo giải trình từ phía Công ty, quý 3 vừa qua Công ty xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nên doanh thu và lợi nhuận tường đối tốt.  Cùng sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ… TCM có lợi thế hơn các đơn vị khác ở thị trường xuất khẩu. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, từ đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu TCM luôn cao hơn mặt bằng chung của toàn ngành dệt may. Chưa kể, thích ứng nhanh với nhu cầu mới, TCM đã chuyển đổi phần lớn cơ cấu sản phẩm, trong đó khẩu trang, đồ bảo hộ tính đến nay đã chiếm phần lớn doanh thu Công ty. Đầu vào rẻ hơn của nhóm sản phẩm mới này so với hàng truyền thống cũng đem về hiệu suất sinh lời cao hơn cho TCM.

Dù vậy, những mặt hàng liên quan đến Covid-19 theo ý kiến giới phân tích chỉ là liều thuốc tạm thời cho ngành dệt may nói chung và TCM nói riêng. Dài hơi hơn, với lợi thế từ xuất khẩu, kinh nghiệm làm việc với các thương hiệu thời trang, bán lẻ như Adidas… sẽ là yếu tố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cho TCM. Mặt khác, quý 2-3/2020 đơn hàng về quần áo ở nhà, đồ thể thao đã tăng và thậm chí tăng mạnh trở lại, theo Vitas. Những tín hiệu trên tiếp tục phản ánh vào thị giá TCM trên thị trường, tính từ tháng 3/2020 mã TCM đã tăng 60% lên vùng 25.000 đồng/cp.

Doanh nghiệp dệt may đồng loạt giảm sút nghiêm trọng trước khủng hoảng Covid-19, riêng TCM, GIL vẫn ngược dòng tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 4.

Trở thành điểm sáng và được quan tâm đặc biệt trong quý 3/2020, Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL) thu về lãi ròng 87 tỷ đồng, cao gấp 3 lần con số cùng kỳ nhờ thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán trong kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GIL ghi nhận doanh thu thuần tăng 45% lên 2.546 tỷ, tương ứng lãi ròng tăng gấp đôi lên 189 tỷ đồng.

Được biết, GIL hiện sản xuất đa dạng các mặt hàng dệt may như túi xách, balo, đồ ngoài trời, quần áo… Hai đối tác lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là Amazon và IKEA – đều là hai đơn vị lớn trên thế giới, năng lực tài chính mạnh, đặc biệt vẫn kinh doanh tăng trưởng giữa đại dịch với doanh thu chủ yếu từ kênh online. Điều này cũng hỗ trợ GIL tránh được áp lực Covid-19 như những đơn vị cùng ngành khác, giới quan sát kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận từ GIL tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm 2020, sang năm 2021 nhờ xuất khẩu online thông qua 2 đối tác trên.

Trên thị trường, cổ phiếu GIL cũng đang tăng mạnh, gấp đôi thị giá lên mức 30.000 đồng/cp kể từ tháng 8/2020.

Doanh nghiệp dệt may đồng loạt giảm sút nghiêm trọng trước khủng hoảng Covid-19, riêng TCM, GIL vẫn ngược dòng tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 5.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên