Doanh nghiệp dệt may 'teo tóp' cả lợi nhuận và lao động
Các nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của nước ta đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, dệt may là ngành giảm mạnh nhất. Lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành mỏng dần.
Thiếu đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình trạng đơn hàng trong tháng 4 vẫn khó khăn. Điều này phản ánh vào khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4, giảm 7,3% so với tháng trước, đạt 27,54 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 108,5 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2022 (tương đương mức giảm 14,5 tỷ USD).
Khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, cả 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của nước ta (điện thoại và linh kiện; giày dép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị; dụng cụ phụ tùng khác) đều ghi nhận mức sụt giảm từ 5,9 - 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh nhất 19,3%, xuống còn 9,571 tỷ USD.
Trong bối cảnh trên, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đi lùi. Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) cho biết, quý I vừa qua, doanh số và giá bán bình quân của công ty thấp hơn cùng kỳ do khách hàng thu hẹp quy mô đơn hàng. Chi phí tài chính, bán hàng, quản lý đã tiết giảm so với cùng kỳ, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước, sau thuế vẫn không thể cải thiện.
Quý I năm nay, doanh thu thuần của STK giảm 352 tỷ đồng, tương ứng 55% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm tới 94 tỷ đồng, tương ứng 84% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần như “bốc hơi” hoàn toàn, với mức giảm gần 98% (74,6 tỷ đồng), xuống còn 1,6 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH), doanh thu quý I giảm 51%, và lợi nhuận “bốc hơi” 67%. Nguyên nhân do đơn hàng sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng. Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của MSH đạt 637 tỷ đồng. Sau thuế, lợi nhuận giảm còn 27,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái gần 82 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TMC) báo lãi giảm 26% trong quý I. TCM ghi nhận doanh thu thuần 876 tỷ đồng và lãi ròng 55 tỷ đồng, giảm 22% và 26% so với cùng kỳ.
Khoản lỗ "phình" to
Ba tháng đầu năm, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) lỗ sau thuế 20,6 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước (lỗ 8,1 tỷ đồng). Doanh thu sụt giảm tới 94%, chỉ còn 7,9 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. GMC cho biết, doanh thu quý I giảm mạnh do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đơn hàng lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp.
Năm 2022 vừa qua còn là năm đầu tiên doanh nghiệp may mặc này báo lỗ. Sau kiểm toán, GMC lỗ gần 85 tỷ đồng.
GMC cho biết, năm 2022, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất các đơn hàng gia công. Từ giữa tháng 8/2022, doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy để khắc phục chất lượng, hầu hết hàng làm ra phải lưu kho. Sang quý 4/2022, doanh nghiệp nhận sản xuất các đơn hàng gia công số lượng nhỏ, giá cạnh tranh, năng suất thấp nên doanh thu giảm đáng kể. Doanh thu cả năm 2022 giảm hơn 72% so cùng kỳ.
Với mức lỗ nặng cả năm 2022, GMC chuyển từ lãi lũy kế hơn 233 tỷ đồng sang lỗ lũy kế hơn 19 tỷ đồng. Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/4. Về việc khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, GMC cho biết doanh nghiệp đang tiếp tục cân đối lại nhân sự cho phù hợp với tình hình mới. Đơn hàng khó khăn, quý 1/2023, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động. GMC cho biết sẽ rà soát lại tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có, hoặc thanh lý tài sản không cần dùng. Doanh nghiệp dự kiến có lãi trong năm 2023, tuy nhiên vẫn chưa thể khắc phục tình trạng lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính
Quý I vừa qua, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng tiếp diễn, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Ba tháng đầu năm, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 150.000 lao động mất việc, gần 300.000 người bị giãn việc. Hơn 55% số lao động mất việc thuộc ngành dệt may.
Tiền Phong