Doanh nghiệp địa ốc “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn có niềm tin mãnh liệt vào thị trường?
Bà Lê Thị Thanh Hằng, CEO VietnamGroove cho hay, doanh nghiệp phải tìm cách cân đối dòng tiền hiệu quả và “thắt lưng buộc bụng” để từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chia sẻ về câu chuyện thị trường và tình hình doanh nghiệp, bà Lê Thị Thanh Hằng cho rằng, tâm lý thị trường nhìn chung đang không có nhiều yếu tố tích cực khiến giao dịch BĐS bị ảnh hưởng rõ nét.
Ngoài khó khăn về tín dụng như tất cả chúng ta đã biết, giai đoạn hiện tại, những bất ổn địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh tế nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến lĩnh vực bất động sản.
Hiện tại, giá nguyên vật liệu hay chi phí nhân công đều đang gia tăng, gây nên áp lực tăng giá cho các chủ đầu tư. Thanh khoản không tốt cũng khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó về dòng tiền, đang trong tình trạng “gồng lỗ” hoặc chấp nhận bán “cắt lỗ”. Tâm lý thị trường nhìn chung đang không có nhiều yếu tố tích cực. Khá đông những người làm môi giới cũng đang chật vật với nghề.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, mỗi giai đoạn, thị trường có những điều kiện khách quan khác biệt. Chẳng hạn trong giai đoạn hiện tại, chúng ta chỉ vừa vượt qua đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới khiến kinh tế toàn cầu đang gặp khó và bất động sản cũng phải chịu những tác động không như mong đợi. Ngoài ra, giai đoạn 2011-2013, lãi suất cho vay có khi lên đến 20 – 25%. Hiện tại, do các cơ quan chức năng đã có thêm nhiều kinh nghiệm từ thực tế quản lý, điều hành nên mức lãi suất cho vay trong giai đoạn tới đây được dự báo sẽ ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ 2011-2013.
Về dài hạn, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có một số lợi thế đáng chú ý. Do những ưu thế có được từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã và đang tiếp tục thu hút được nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn, tạo ra sức cầu cho các phân khúc BĐS công nghiệp, văn phòng hay căn hộ dịch vụ. Việc mở cửa đường bay quốc tế trở lại cùng với đà hồi phục tích cực của nền kinh tế khiến du khách nước ngoài dần đông đảo trở lại, tạo động lực lớn cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Về phân khúc BĐS nhà ở, dân số trẻ cùng với nhu cầu ở thực cao cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng là những trợ lực mạnh mẽ.
Bà Hằng tin rằng, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững hơn. Điều này, một mặt, đến từ các biện pháp quản lý vĩ mô của cơ quan chức năng có thẩm quyền, mặt khác, đến từ quá trình “số hoá” (digitalization) tiếp tục được áp dụng mạnh mẽ và cả sự “trưởng thành” hơn của tất cả các thực thể tham gia vào thị trường.
“Về phía VietnamGroove, như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi vừa phải linh hoạt, vừa phải tìm cách cân đối dòng tiền hiệu quả và “thắt lưng buộc bụng” để từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Hằng cho biết.
Khi được hỏi, bà kì vọng sự thay đổi nào cho thị trường BĐS, CEO VietnamGroove cho rằng, chúng tôi tin tưởng và hy vọng các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ sớm có các giải pháp hữu hiệu để khai thông dòng vốn tín dụng, tạo thêm điều kiện cho thị trường BĐS từng bước sôi động trở lại. Bên cạnh đó, các chính sách nhằm giúp thị trường có được sự minh bạch hơn về thông tin cũng tạo ra cơ sở quan trọng cho lĩnh vực BĐS phát triển ổn định hơn, có thêm những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nói chung.
Còn ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam chia sẻ, hiện khá nhiều doanh nghiệp BĐS tinh gọn bộ máy vận hành, có nhiều công ty giảm đến 60-70% nhân sự, số còn lại chuyển sang CTV hoặc giảm lương, chính sách ... để cố gắng vượt qua thử thách. Doanh thu các công ty môi giới đang giảm mạnh, trung bình mức giao dịch rơi vào khoảng 20% so với mức trung bình hàng tháng /theo dự án.
Ông Lâm đề xuất, ngân hàng nhà nước nới room tín dụng cho các chủ đầu tư dự án và hỗ trợ chính sách cho người mua nhà lần đầu. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp môi giới được tiếp cận nguồn vốn giúp doanh nghiệp vận hành.
Đồng thời, ở góc độ là Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS, ông Lâm đề xuất thông qua một số Cơ quan, quản lý nhà nước, Hiệp Hội,...để bảo vệ quyền lợi của các công ty môi giới được nhận phí môi giới đúng thoả thuận.
“Với những diễn biến của thị trường hiện tại, rõ ràng thị trường đang tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, mua ở cho những ai có tiền mặt sẵn sàng chọn các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, vậy nên cơ hội vẫn còn lớn cho các nhà môi giới bền chí”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang ghi nhận thặng dư thương mại tích cực, đồng tiền tương đối mạnh và chỉ số CPI, lạm phát tương đối trong tầm kiểm soát so với tình hình chung trên toàn cầu. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn cho thị trường BĐS trong vài năm tới.
“Chúng ta đang trong giai đoạn với những chỉ số về nhân khẩu học đáng lạc quan. Đây là động lực thúc đẩy chi tiêu trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về nhà ở, chi tiêu bán lẻ, tăng trưởng, ... báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong hai thập kỷ tới, dân số và lực lượng lao động sẽ tiếp tục phát triển trong khoảng thời gian đó”, chuyên gia Savills nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Neil, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Savills vẫn liên tục nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế trên tất cả các phân khúc của thị trường và xu hướng này sẽ được duy trì.
Nhịp sống thị trường