MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp địa ốc vẫn “đầm đìa” nợ lương

25-08-2023 - 07:08 AM | Bất động sản

Doanh nghiệp địa ốc vẫn “đầm đìa” nợ lương

Một số doanh nghiệp bất động sản 2-3 tháng nay nợ lương, chậm lương của nhân viên và chưa thông báo thời gian nhận.

Những khó khăn dòng tiền của doanh nghiệp địa ốc vẫn tiếp diễn. Nhiều doanh nghiệp dù đã cắt giảm đi lượng nhân sự nhưng việc chi trả lương vẫn chậm, thậm chí nợ lương kéo dài 2-3 tháng do không có nguồn thu.

H, nhân sự hiện đang làm ở một công ty địa ốc tại Tp.HCM đã gần 3 tháng nay chưa được nhận đồng lương nào. Trước đó, công ty có nợ một đợt lương nhưng đã thanh toán dần, hiện tiếp tục nợ thêm vài tháng gần đây. “Khó khăn” đó là hai từ mà H chia sẻ. Do không có nguồn thu nên công ty thông báo “khất lương”. Tuy vậy, nhân viên không rõ thời điểm công ty chi trả, có thể việc trả lương sẽ phù thuộc vào dòng tiền của công ty, không ấn định thời gian.

May mắn hơn H, chị V, hiện đang là trưởng phòng Marketing của một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại quận 3, Tp.HCM vẫn được nhận lương nhưng so với thời điểm trước thì thời gian nhận lương chậm khoảng 10 – 15 ngày hoặc gần 1 tháng. Có nghĩa là, thay vì trả đúng ngày như trước đây, doanh nghiệp nơi chị V làm việc nợ gối đầu, kéo dài thời gia trả lương.

Theo chị V, công ty đã có 2 đợt cắt giảm nhân sự, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 với tỉ lệ mỗi đợt lần lượt 20% và 30%. Hiện những người còn làm đa số là nhân sự lâu năm, giữ vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, mức lương thực nhận so với trước đây của các nhân sự ở lại cũng đã giảm khoảng 20-30%. “Lúc này cũng chỉ biết chia sẻ, nương tựa để vượt qua khó khăn vậy”, chị V giãi bày.

Tương tự, anh Ng, Trưởng phòng kinh doanh của một sàn giao dịch bất động sản có trụ sở tại quận 2, Tp.HCM cũng nhiều lần muốn nghỉ hoặc kiếm việc khác làm do thu nhập bị ảnh hưởng. Theo anh Ng, các anh em môi giới gần như đã nghỉ gần hết. Dù công ty không ra thông báo cắt loạt nhân sự như các sàn khác nhưng vì không bán được hàng nên đa số anh em tự nghỉ. Ngay cả việc chi hoa hồng trước đó cũng khó khăn, công ty còn nợ khá nhiều.

Nguồn thu không có trong khi chi phí chi ra nhiều khiến không ít doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn dòng tiền. Ngay cả những doanh nghiệp đang có dự án mở bán cũng trong tình trạng hụt tiền. Nhiều nhân sự do bị nợ lương lâu ngày đã chuyển chỗ làm, xin việc sang các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, do bối cảnh khó khăn chung, hiện nhiều doanh nghiệp “khất nợ” nhân viên để giải quyết công việc khác.

“Nhiều khi rất nản nhưng giờ đi xin việc chỗ khác cũng không dễ dàng, có khi vẫn tình trạng nợ lương nên tôi chờ thêm một thời gian nữa xem sao”, một nhân sự công ty bất động sản chia sẻ khi nhiều tháng chưa nhận được lương.

Có thể thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, làn sóng nhân sự địa ốc nghỉ việc hoặc chuyển việc tăng mạnh. Không chỉ đội ngũ nhân sự sales, mà nhân sự hành chính hoặc các bộ phận liên quan cũng khó trụ nỗi trong bối cảnh khó khăn. Với những người chưa có gia đình, áp lực tài chính đỡ hơn những nhân sự có gia đình, con cái. Theo một trưởng phòng nhân sự của một công ty bất động sản tại Tp.HCM, có thời điểm, công ty đã “chọn lọc” để cắt giảm. Nếu cho nghỉ đồng loạt thì rất nhiều nhân sự và gia đình của họ sẽ bị ảnh hưởng trong thời điểm kinh tế khó khăn. Mặc dù sức tài chính của công ty đã khó khăn nhưng cũng tìm cách để giữ nhân sự hoặc cắt giảm có chọn lọc. Theo đó, thông báo nợ lương hay chậm lương trong lúc này cũng nhận được sự chia sẻ của nhân sự.

Hạ Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên