MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp điêu đứng vì dịch Covid - 19

Nhiều doanh nghiệp điêu đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu, hàng tồn kho không bán được, nhà máy ngừng hoạt động, cắt giảm công nhân…

Tê liệt 

Ông Lý Thành Sinh, giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng (Q.9, TPHCM) cho biết, hoạt động của công ty đang tê liệt đến 95%, hàng ùn ứ đầy kho, máy móc ngừng hoạt động, công nhân tạm nghỉ việc… Theo ông Sinh, công ty có đại lý phân phối khắp 63 tỉnh thành, cả trăm công nhân làm việc ngày đêm. Giờ tất cả “đóng băng”.

Đại lý không nhận hàng vì không có đầu ra, chợ không có khách, nếu có thì khách cũng không mua vì họ cũng gặp khó, cắt giảm chi tiêu, ngại dịch không ra chợ… Dù đã cho hầu hết công nhân ngừng việc nhưng công ty vẫn trả 70% lương cơ bản để giữ người. Tiền nợ ngân hàng, tiền thuế hằng tháng… đè nặng DN.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chưa bao giờ giảm sâu như hiện nay. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt 2,85 tỷ USD, giảm gần 23,5% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch nhập khẩu 1,39 tỷ USD cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ 2019. Một số cơ sở may mặc, làm túi xách tuy sử dụng nguyên liệu trong nước nhưng phụ liệu như da công nghiệp, dây kéo, khóa, xi… vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

Trong khi đó, các DN ngành nhựa cao su cho rằng, nguyên liệu đặc biệt là hóa chất trong ngành nhựa cao su Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, tới hơn 70%. Nếu phía Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được nguyên liệu thì DN phải nhập từ Nhật, Hàn với giá cao hơn từ 15 đến 20%.

“Lúc đó sản phẩm có nguy cơ ôm lỗ nặng do các đơn hàng đã ký có giá cả từ trước Tết. Hợp đồng ký rồi không thể hủy hay lên giá được. Nếu làm sai phải bồi thường”, ông Đào Minh Tấn, Giám đốc Công ty Nhựa Minh Đức (Q.Thủ Đức, TPHCM) thở dài. Một số DN tìm hướng thay thế, nhưng chỉ đáp ứng được một phần. Như đối với mặt hàng da thuộc, DN đang tìm kiếm nguồn hàng tại Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, song nguyên liệu giả da và nhiều nguyên phụ liệu khác vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Trường hợp xấu nhất là đóng cửa tạm thời hoặc giãn sản xuất.

Khó chồng khó

Nhiều chợ truyền thống tại TPHCM như An Đông, Tân Bình, Bến Thành, Bình Tây… đều rơi vào cảnh chợ chiều, do người mua ít, nhưng hơn hết là không có hàng nhập về bán. Tại chợ Đại Quang Minh (Q.5), còn gọi là chợ phụ liệu, đa số hàng hóa ở đây đều có xuất xứ Trung Quốc. Ngáp dài vì cả ngày ế ẩm, chủ quầy hiệu Nhuận Mỹ nói: “Nhiều nguyên phụ liệu dựng như tạo phom cho các chi tiết, tạo độ phồng, tạo bề mặt cứng, định hình sản phẩm; hay các loại cúc, dây kéo, xích trang trí, ren, keo, đinh… nhập từ Trung Quốc đều đứt hàng sau Tết. Không biết bao giờ mới có hàng trở lại”.

Ông Lý Thành Sinh dự báo: “Do dịch, lượng DN bị lỗ, phá sản e rất nhiều. Trường hợp phục hồi thì khoảng 10-20% là cao. Đối với DN lỗ còn báo thuế để miễn giảm thuế được, nhưng hệ thống phân phối của các DN đang chịu thuế khoán, kinh doanh không được nhưng vẫn đóng thuế, trả mặt bằng đều đều thì có nước ra đê”.

Không chỉ DN vừa và nhỏ tại TPHCM điêu đứng, mà hàng trăm DN đang hoạt động trong các KCX-KCN và khu công nghệ cao tại thành phố với gần 2.000 nhà máy cũng lao đao do cần nguyên phụ liệu cho sản xuất mà một phần lớn nguồn từ Trung Quốc, chưa có nguồn khác thay thế. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho hay, hàng ngàn DN trong KCX-KCN và Khu Công nghệ cao TPHCM đang hết sức lo lắng.

Việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, làm ngưng trệ sản xuất, thậm chí ngưng sản xuất ngay trong ngắn hạn, chứ không chờ đến kế hoạch trung hạn. Hầu hết đơn hàng đã lên kế hoạch cho quý I/2020 sẽ bị đình trệ và một số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3 năm nay, ông Bé nhìn nhận.

Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho biết, một số linh phụ kiện sản xuất của công ty đều được nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường cửa khẩu Lạng Sơn. Tới đây, phía Trung Quốc dự kiến đóng luôn cửa khẩu khu vực này để phòng chống dịch nên nguồn hàng nhập khẩu linh kiện của công ty bị ảnh hưởng. Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam cho biết cũng chung số phận vì tới đây sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tải cũng gặp khó khi có hơn 70% linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên