MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đổi tên, liệu có đổi vận?

10-09-2017 - 12:12 PM | Doanh nghiệp

Công cuộc tái cấu trúc khiến nhiều doanh nghiệp đổi tên tuổi thậm chí cả ngành nghề đã từng gắn bó với doanh nghiệp trong nhiều năm.

Thời gian qua, thị trường chứng kiến nhiều cuộc đổi tên, nhằm mục đích tái cấu trúc doanh nghiệp, thuận lợi cho quá trình kết nối đối tác, đổi để tương xứng với tiềm năng…Nhìn chung đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên điều đó không thật dễ dàng, có những doanh nghiệp việc đổi tên nhanh chóng được thị trường chấp nhận, còn lại vẫn có những doanh nghiệp dù có đổi tên thì vẫn bị ám ảnh bởi những khó khăn cũ kéo dài.

Những cuộc đổi tên “đình đám”

Đầu tiên phải kể đến cái tên “đình đám” Vingroup, sau khi sáp nhập Vinpearl vào Vincom, Công ty CP Vincom đã đổi tên thành Tập đoàn Vingroup – Công ty CP, kể từ 2012 đến nay với thương hiệu mới Vingroup đã từng bước khẳng định vị trí của mình trên thương trường. Mới đây, các thương hiệu danh tiếng gồm Vinhomes, VinCommerce, Vincom Retail, Vinpearl và 1 công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup đã lần lượt được vinh danh trong Top 50 Thương hiệu Giá trị nhất Việt Nam 2016 do Brand Finance công bố.

Là một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu, Vingroup đã phát triển hệ sinh thái các sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao thuộc 6 lĩnh vực: bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, giáo dục, y tế và nông nghiệp. Sở hữu những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được xác nhận bởi hãng định giá uy tín thế giới, Vingroup tiếp tục khẳng định sức mạnh thương hiệu, chiến lược phát triển bền vững và vị thế dẫn dắt thị trường trong các lĩnh vực đang hoạt động, góp phần tăng cường tính cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Một trong những cuộc đổi tên đáng chú ý khác là việc Tập đoàn Kinh Đô đổi thành Tập đoàn Kido từ ngày 2.10.2015, cùng với việc đổi tên KDC cũng rời ngành nghề bánh kẹo, vốn là lĩnh vực cốt lõi nuôi sống Công ty nhiều năm qua để đặt chân vào ngành nghề mới, với một loạt mặt hàng như mì gói, dầu ăn, bột nêm... mang tên Đại Gia Đình.

Việc đổi tên và nhượng lại mảng bánh kẹo thời gian đầu của KIDO thật không dễ dàng khi nhà đầu tư và cổ đông chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, và đến quý 2/2017, KIDO ghi nhận doanh thu tài chính lớn sau khi hoàn thành nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex) từ 24% lên 51%. Đây là thương vụ mà KDC đã theo đuổi từ 3 năm trước.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 2/2017, KDC cho biết, Công ty đang trong quá trình tái cấu trúc, có một số chi phí phát sinh một lần như chi phí tái cấu trúc, chi phí tích hợp hoạt động khi hợp nhất các công ty con, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, KDC đầu tư phát triển thị trường, tìm kiếm, thương thảo hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để mở rộng thị trường và ngành hàng cho các công ty con.

Tương tự, sự thay đổi danh tính của Tập đoàn PAN từ tên cũ Công ty Xuyên Thái Bình, ngay sau khi đổi tên, Tập đoàn PAN đã lập hẳn công ty bán lẻ và quyết định chia tay với mảng quét dọn vệ sinh - lĩnh vực chủ lực nuôi sống PAN gần 20 năm qua - để dồn lực vào ngành mới: nông nghiệp, thực phẩm.

Hậu đổi tên, PAN đã rất tích cực trong việc thực hiện chiến lược phát triển trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, cung cấp những sản phẩm sạch, an toàn và dinh dưỡng, có khả năng truy xuất nguồn gốc từ Việt Nam và cho thế giới thông qua chuỗi giá trị Farm, Food, Family. Thông qua việc đầu tư, mua lại các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, PAN đã hoàn thiện chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, củng cố vị thế trong ngành đem lại tăng trưởng lợi nhuận đều đặn hàng năm.

Đối với Lộc Trời, từ tên gọi Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã đổi thành Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LT Group). Doanh nghiệp này cũng ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với logo hình mặt trời đỏ có chứa trăng vàng bên trong và chùm tia sáng hào quang bao bọc bên ngoài thể hiện tinh hoa của đất trời ban tặng mùa vàng, sức sống cho trái đất.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, đây là tên gọi được lựa chọn trong suốt thời gian dài với mong mỏi tương xứng với tiềm năng và quy mô của doanh nghiệp, đồng thời hướng tới nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững mang lại lợi ích kinh tế cao cho doanh nghiệp lẫn người nông dân. Công ty cho biết tên mới cũng đánh dấu những bước chuyển mình ở Lộc Trời, giai đoạn tự phát đã kết thúc và đây là lúc Công ty phát triển trên cơ sở chủ động, thay đổi tư duy nhận thức, có chiến lược kinh doanh bài bản và vươn ra biển lớn. Trong 10 năm qua, LTG đạt mức tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) doanh thu thuần 13,66% và lợi nhuận sau thuế 18,14%.

CTCP Xây dựng Cotec (CTD) cũng đã có cái tên mới là CTCP Xây dựng COTECCONS. Từ một công ty xây dựng nhỏ sau 13 năm CTD hiện đã trở thành nhà thầu xây dựng ngoài quốc doanh thuộc loại lớn tại Việt Nam với mô hình theo đuổi là “tổng thầu thiết kế và thi công” (D&B). Theo mô hình này, CotecCons đã tham gia vào cuộc chơi “bao thầu trọn gói” với việc tham gia tư vấn và đề xuất các lựa chọn cho chủ đầu tư về biện pháp thi công, vật liệu xây dựng và hoàn thiện... Mới đây, bằng việc bắt tay với Obayashi của Nhật, Coteccons đã vượt qua hai đối thủ lớn trong ngành xây dựng đến từ Hàn Quốc là Lotte và Ssangyong để trúng thầu dự án Landmark 81 tầng của chủ đầu tư Vingroup, với tổng giá trị gói thầu có thể lên đến 6.000 tỷ đồng.

Đổi tên nhưng chưa đổi vận

Đầu tiên là việc đổi tên của NOSCO từ CTCP Vận tải biển Bắc thành CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông. Theo lý giải của ông Trịnh Hữu Lương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty thì việc đổi tên nhằm mục đích tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác, khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo hướng phát triển mới của công ty trong giai đoạn mới... Sau khi thực hiện thủ tục đổi tên trong thời hạn một năm kể từ ngày ra quyết định, nhiều đối tác cam kết sẽ hợp tác để khoanh nợ, xoá nợ và tiếp tục đầu tư.

Tuy nhiên có vẻ vận đen chưa hết theo đuổi NOS khi công ty này tiếp tục báo lỗ ròng hơn 34 tỷ đồng trong quý 2/2017, nâng lỗ lũy kế 6 tháng lên mức 91 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/06/2017, NOS có lỗ lũy kế chưa phân phối tới 3.489 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 3.230 tỷ đồng. Thay vì nhớ đến một cái tên mới dấu ấn NOSCO lỗ triền miên có vẻ quá sâu đậm.

Tiếp đó, là trường hợp đổi tên của CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà (SIC), doanh nghiệp này đã được cổ đông chấp thuận phương án đổi tên công ty thành Công ty cổ phần ANI và tên giao dịch quốc tế mới là ANI Joint Stock Company. Giải thích về thương hiệu mới này, ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc của SIC cho biết, thương hiệu ANI có nghĩa là “A New Idea”, mang ý nghĩa về định hướng phát triển công ty trong thời gian tới.

Thương hiệu mới cũng thể hiện phương châm làm việc của toàn bộ đội ngũ nhân sự của SIC là luôn luôn đổi mới, sáng tạo. “Đây là bước quan trọng trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới, đồng bộ từ tên, logo, slogan cũng như tên các Dự án mà SIC đang triển khai sau khi không còn là thành viên của Tổng công ty Sông Đà”, lãnh đạo SIC cho hay. Tuy nhiên ngay sau công bố đổi tên, SIC cũng công bố khoản lỗ 8,6 tỷ đồng trong quý 2 do công ty kinh doanh dưới giá vốn đồng thời chịu lỗ từ hoạt động khác gần 8 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp họ sông Đà khác là Công ty cổ phần Sông Đà 909 cũng đã đổi cái tên thân thuộc gắn liền với công ty trong suốt 12 năm thành tên của…công ty con - Công ty cổ phần SCI. Lý do đổi tên lúc đó được S99 giải thích là do ngành nghề kinh doanh của SICCO rất phù hợp với điều chỉnh định hướng phát triển lâu dài của Công ty là chuyển từ tập trung thi công xây dựng công trình công nghiệp, thủy điện sang thi công công trình giao thông, hạ tầng nhằm đem lại kết quả kinh doanh tốt hơn. Đồng thời, do 2 doanh nghiệp đều cùng ngành, cùng chiến lược nên rất dễ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển... Điều này sẽ giúp khoản đầu tư lâu dài của SCI mang lại hiệu quả, cũng như duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của SICCO. Tuy nhiên có vẻ S99 vẫn chưa thể bứt phá thành công, mỗi quý S99 chỉ có lãi vài tỷ đồng thậm chí quý 1/2017 lỗ 378 triệu đồng, quý 2/2017 lãi 3,6 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.

CTCP Xuất Nhập Khẩu Khánh Hội (KHA) cũng đã đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội, mục đích của việc đổi tên là nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác chiến lược để tạo điều kiện giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của công ty trong giai đoạn mới, thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư mở rộng thị trường, đồng thời định hướng phát triển bền vững thương hiệu Khahomex. Đáng chú ý, hậu đổi tên KHA lại đưa ra một quyết định nhận được nhiều ý kiến trái chiều là chuyển niêm yết từ sàn HOSE sang sàn Upcom trong đó phía đồng tình cho rằng việc duy trì niêm yết tốn chi phí lớn và quy định công bố thông tin khắt khe, rườm ra tốn nhiều chi phí của công ty. Khahomex là một trong những công ty niêm yết từ rất sớm với phiên giao dịch đầu tiên tại HoSE vào ngày 19/8/2002.

Chờ được đổi tên

Sau hàng loạt biến cố lớn, CTCP Mỏ và XNK Khoảng sản Miền Trung (MTM) cũng đã quyết định sẽ đổi tên công ty thành CTCP Đầu tư MTM. Việc đổi tên này sẽ triển khai sau khi công ty hoàn thành việc thu hồi dứt điểm công nợ phải thu, xử lý các tài sản thiếu chờ xử lý và thanh lý tài sản cố định, thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả đã phát sinh từ 2016 trở về trước. Dự kiến sẽ được thực hiện trước ngày 31/12/2018.

Đối với trường hợp của Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), do cơ cấu cổ đông thay đổi, công ty không thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nữa, nên cũng đã đề xuất đổi tên công ty thành CTCP Đầu tư Bất động sản PVR Hà Nội từ ĐHĐCĐ 2016. Tuy nhiên không hiểu vì sao đến nay nhận diện tên của công ty vẫn là Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam. PVR có kết quả kinh doanh hết sức “lẹt đẹt” kể từ 2012 đến nay, cổ phiếu PVR đã bị hủy niêm yết từ 26/5/2017 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC kiểm toán năm 2016. Hiện PVR đang giao dịch trên sàn UpCOM.

Tú Anh

HNX&HSX

Trở lên trên