Doanh nghiệp FDI điện tử, điện thoại vẫn “đòi” thêm cơ chế hỗ trợ
Các doanh nghiệp FDI cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ trong việc giảm thuế, hoàn thuế GTGT cũng như quy định riêng đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài…
- 10-10-2020Kích cầu du lịch cho cả người nước ngoài ở Việt Nam
- 09-10-2020Sửa Nghị định để quản lý bán hàng online trên mạng xã hội
- 09-10-2020Mức hưởng lương hưu khi về hưu trước tuổi năm 2021
Sau hơn 27 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay có khoảng 8.900 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, sử dụng khoảng trên 1 triệu lao động và đóng góp khoảng 33% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.
Qua các sự kiện kêu gọi xúc tiến thương mại và đầu tư, các DN Hàn Quốc luôn bày tỏ sự quan tâm của họ đối với việc đầu tư vào Việt Nam, thể hiện mong muốn được đến Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn về thị trường cũng như tiềm năng sản xuất của các DN Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực điện tử, điện thoại và linh kiện đang thu hút số lượng lớn các DN Hàn Quốc quan tâm và tham gia.
Tại buổi tọa đàm chính sách đối với ngành linh kiện, phụ tùng điện thoại di động do Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức mới đây, các DN Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng điện thoại cũng như các DN Việt Nam trong ngành linh kiện điện thoại đã có dịp trao đổi, đề xuất nhiều nguyện vọng tới các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ
Theo ông Cho Chang Hyun, Tổng giám đốc Công ty điện tử và Công nghệ Elentec đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như nguồn nhân lực là một yếu tố rất quan trọng đã hỗ trợ rất lớn cho thành công của Elentec trong thời gian qua.
Là DN cung cấp linh kiện cho Samsung Việt Nam, ông Cho Chang Hyun rất mong muốn các DN Việt Nam cũng sẽ cùng tham gia với DN trong lĩnh vực này để nâng cao tăng trưởng cũng như quy mô thị trường. Điều này cũng hướng tới việc hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững trong lĩnh vực sản xuất điện thoại của Việt Nam, khi có sự tham gia và hợp tác hiệu quả lâu dài của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, do lĩnh vực sản xuất điện thoại di động ngày càng cần thiết đầu tư để càng phát triển, các DN cần phải có quá trình nghiên cứu và chi phí dành cho các hoạt động này là rất lớn, vì thế đại diện Công ty điện tử và Công nghệ Elentec vẫn mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể theo ông Cho Chang Hyun, DN cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ trong việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu cũng như đẩy nhanh việc hoàn thuế GTGT. Đồng thời, Việt Nam cần cắt giảm, các điều khoản và quy định về lao động mà các DN FDI hiện nay chưa thể đáp ứng được.
Từng là Tổng giám đốc điều hành DN tại thị trường Trung Quốc, ông Cho Chang Hyun nhận xét, nếu so sánh các chính sách hỗ trợ DN FDI của chính phủ Việt Nam với chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc hiện nay vẫn còn cách xa.
Ông Cho Chang Hyun xin lấy ví dụ, đối với các DN FDI, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều các chương trình hỗ trợ thiết thực và cụ thể cho từng DN tại từng địa phương. Khi 1 DN FDI muốn phát triển sản phẩm mới với chi phí rất lớn về nghiên cứu, đầu tư, trang thiết bị cơ sở vật chất, nhưng tất cả những chi phí cho việc phát triển sản phẩm đó sẽ được chính quyền địa phương hoàn trả trong vòng 1 năm sau khi sản phẩm ra đời.
“Các DN FDI cũng đã đề xuất vấn đề này lên các chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhưng nhiều năm nay vấn đề này chưa được giải quyết”, ông Cho Chang Hyun bày tỏ.
Lo “chảy máu” nguồn nhân lực
Đại diện một DN Hàn Quốc sản xuất linh kiện điện thoại khác cũng chia sẻ, vấn đề “chảy máu” nguồn nhân lực cũng đang là thực trạng đáng báo động của các DN FDI khi đầu tư tại Việt Nam. Sở dĩ có điều này là công nhân trong một DN sau khi đã được đào tạo thuần thục để đứng trong chuỗi dây chuyền sản xuất, nhưng họ sẵn sàng bỏ việc để “nhảy” qua DN khác hoạt động trong cùng lĩnh vực khiến quá trình sản xuất của nhiều DN FDI gặp nhiều khó khăn.
“Các DN FDI mất nhiều công sức tuyển dụng và đào tạo lao động để phục vụ lợi ích của DN, nhưng người lao động vẫn có quyền bỏ việc để đến các DN khác mà không có chế tài hay quy định nào bắt buộc họ không được phép làm điều này. Đề nghị cần có chỉnh sửa bộ Luật Lao động của Việt Nam để hạn chế tình trạng này, tránh thiệt hại cho các DN”, vị này nói.
Theo nhận định của ông Lee Jong Seob - Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới, do đó hiện nay nhiều DN nước ngoài đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình dịch chuyển này, thị trường Ấn Độ cũng tỏ ra là đối thủ cạnh tranh trong thu hút đầu tư đối với Việt Nam. Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan ban, ngành cần đưa ra những cái chính sách hỗ trợ mới cho DN đầu tư, từ đó đón trọn được làn sóng này cũng như loại bỏ được các đối thủ cạnh tranh khác.
Theo VOV