MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp FDI thích bất động sản hơn nông nghiệp

Nhiều đóng góp, song khu vực FDI dưới góc nhìn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng còn không ít hạn chế...

Đầu tư vào bất động sản còn cao trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp (chỉ chiếm 1,6% vốn đăng ký), số dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất nhỏ.

Đó là một số hạn chế của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, trong đó có yêu cầu đánh giá toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài.

Góp 20% vào GDP

Về mặt được, Bộ trưởng đánh giá, đầu tư nước ngoài đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, tác động lan tỏa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, "khơi dậy" và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước. FDI đã đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP chiếm khoảng 20%.

Với nhận xét khu vực FDI góp phần quan trọng vào xuất khẩu, Bộ trưởng dẫn con số xuất khẩu của khu vực FDI đạt 72,6% tổng kim ngạch của cả nước trong năm 2017. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài còn làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm là nguyên liệu thô, sơ chế tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao.

Đáng kể nữa là đóng góp vào nguồn thu ngân sách với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2010). Giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực FDI đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách. Còn năm 2017, khu vực này đã đóng góp vào thu ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng thu ngân sách nhà nước.

Mặt được của FDI còn là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng,...

Đóng góp nữa được kể đến là tạo ra trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4 - 5 triệu lao động gián tiếp. Doanh nghiệp FDI được xem là tiên phong trong việc đào tạo tại chỗ và đào tạo bên ngoài, nâng cao trình độ của công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Một bộ phận trong đó đã có năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ đủ sức thay thế chuyên gia nước ngoài...

45% dự án quy mô dưới 1 triệu USD

Nhiều đóng góp, song khu vực FDI dưới góc nhìn của Bộ trưởng cũng còn không ít hạn chế.

Bên cạnh việc thích đầu tư vào bất động sản hơn vào nông nghiệp, tỷ lệ việc làm mới được tạo ra từ khu này cũng chưa tương xứng trong khi thu nhập bình quân của người lao động khu vực FDI chỉ cao hơn chút ít so với khu vực tư nhân.

Tuy đã có thu hút được nhiều công nghệ tốt nhưng chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao, công nghệ nguồn) và chuyển giao công nghệ.

Định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế. FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công, sử dụng nhiều lao động. Giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, phần lớn các dự án FDI là dự án quy mô nhỏ. Trong tổng số hơn 24.000 dự án, số lượng dự án dưới 5 triệu USD vẫn chiếm tới 75,9% nhưng chỉ chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư, dự án dưới 1 triệu USD chiếm 45,1% số dự án và chỉ chiếm 1% tổng vốn đầu tư.

Hiệu ứng lan tỏa chưa cao, sự kết hợp giữa doanh nghiệp khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước chưa đạt như kỳ vọng, Bộ trưởng nhìn nhận.

Ngoài ra, hạn chế được đề cập còn là có hiện tượng doanh nghiệp FDI áp dụng thủ thuật chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại. Một số doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường.

Báo cáo Bộ trưởng gửi Quốc hội cũng nêu một số giải pháp cần tập trung để tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả của khu vực FDI trong thời gian tới.

Như, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Làm tốt công tác quy hoạch bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm,... để làm căn cứ thu hút được dự án FDI có chất lượng, theo đúng trọng tâm, trọng điểm và định hướng...

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên