Doanh nghiệp gặp khó, công nhân lãnh đủ
Khi doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bị ảnh hưởng về quyền lợi khi chưa được hoàn thuế… thì đối tượng chịu thiệt thòi trước tiên vẫn là người lao động.
- 12-08-2024Chậm đóng bảo hiểm, doanh nghiệp ở Bình Định bị phạt hơn 100 triệu đồng
- 11-08-2024Điều tra tiền lương trong doanh nghiệp với quy mô lớn nhất từ trước đến nay
- 11-08-2024Xây dựng các gói chính sách phù hợp, khả thi với doanh nghiệp
Thiệt đủ đường
Những ngày qua, tại Cty Hoàng Sinh (Khu Công nghiệp Phú Tân - Bình Dương) phát sinh tình hình quan hệ lao động phức tạp. Nguyên nhân do Cty đã nợ lương của khoảng 900 công nhân trong 4 tháng liền (từ tháng 4 - 7/2024). Ngoài ra, Cty còn nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tới 26 tỷ đồng.
Việc Cty chậm lương nhiều tháng khiến công nhân không có tiền trang trải cuộc sống, phải đi vay nợ đắp đổi qua ngày. Nhiều người cũng không còn tiền đóng cho chủ trọ. Ông Võ Hoàng Út Oanh, công nhân làm việc lâu năm tại Cty Hoàng Sinh ngậm ngùi nói: “Tôi vào nhà máy làm công nhân nhưng suốt nhiều tháng liền bị Cty nợ lương. Không có tiền, tôi không còn tiền ăn, khất nợ tiền trọ. Nợ kéo dài khiến chủ trọ không chịu, đuổi ra khỏi phòng. Tôi phải đi vay nợ 1 triệu đồng, chịu lãi 100.000 đồng/tháng”.
Nhiều công nhân của Cty Hoàng Sinh rơi vào tình cảnh tương tự.
Từ Phú Yên, chị Nguyễn Thị Lệ (38 tuổi) rời quê hương vào TPHCM làm công nhân may tại một DN ở huyện Củ Chi đã hơn chục năm. Mới đây, chị tá hỏa khi đi chữa bệnh và cần thanh toán bảo hiểm y tế nhưng bệnh viện từ chối, lý do vì nơi chị Lệ làm việc đã nợ BHXH gần 2 năm và chưa thanh toán. Chị Lệ bắt buộc phải tự thanh toán tiền viện phí lên tới hơn 10 triệu đồng. “Hàng tháng, tôi đều bị Cty trích lương hơn 500.000 đồng để đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên Cty lại không đóng bảo hiểm đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của tôi” - chị Lệ xót xa.
Hồi tháng 4 vừa qua, cả trăm công nhân Cty TNHH Nobland Việt Nam (quận 12, TPHCM) phản ứng vì bị trừ lương, lý do là DN này bị mất 3.000 áo thun. Tùy vị trí, công nhân bị trừ thấp nhất gần 64.000 đồng và cao nhất 805.000 đồng. Mặc dù DN không xác định được lỗi ở đâu nhưng lại trừ tiền tất cả lao động ở khâu hoàn thành. Công đoàn Cty cũng đề nghị thu hồi quyết định để bảo vệ danh dự cho lao động.
Bảo vệ quyền lợi lao động
Sau khi nắm thông tin tại Cty Hoàng Sinh, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân ở trong Cty, bên cạnh đó tỏa đi các nhà trọ hỗ trợ người lao động của DN này. Công đoàn tỉnh Bình Dương đã vận động và trao 1 triệu đồng/người cùng nhu yếu phẩm, vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê. “Suốt 3 tháng qua, Công đoàn luôn bám sát để thương lượng, yêu cầu Cty Hoàng Sinh giải quyết trả lương cho công nhân. Tuy nhiên, DN nêu lý do đang gặp khó khăn nên chậm trả lương cho công nhân” - bà Loan nói.
Ông Trương Văn Phong, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, đã phối hợp với Cục Thuế Bình Dương triển khai các thủ tục cho Cty Hoàng Sinh sử dụng nguồn tiền hoàn thuế chi trả lương cho người lao động.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hồng Văn - Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp - Người nộp thuế Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế và thẩm định, Cục Thuế Bình Dương đã hoàn thuế gần 23 tỷ đồng vào ngày 2/8. Sau đó, Cty Hoàng Sinh đã chi trả số tiền nợ lương cho công nhân. “Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Bình Dương đã hoàn thuế cho DN trên địa bàn với số tiền hơn 11.300 tỷ đồng cho gần 1.800 hồ sơ” - bà Văn thông tin.
Tại buổi đối thoại với công nhân thành phố ngày 11/5, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngành chức năng phải làm rõ vụ việc của Cty Nobland Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, DN này đã trừ tiền tháng 4 của 111 công nhân hơn 29 triệu đồng. Việc trừ tiền này là sai quy định. Sau đó Cty đã trả lại số tiền này. Cty Nobland Việt Nam cũng bị UBND TPHCM phạt 70 triệu đồng do làm sai quy định.
Cần chế tài mạnh mẽ
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, thành phố có hơn 17.300 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 3.000 tỷ đồng, khiến 93.000 công nhân, người lao động không được hưởng kịp thời các quyền lợi khi thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tử tuất… “Thời gian qua, LĐLĐ TPHCM đã phối hợp cùng LĐLĐ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, nhiều lần hỗ trợ người lao động khởi kiện DN ra tòa để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, về xử lý hình sự thì tính đến nay chưa có trường hợp nào” - Ông Tâm cho biết.
Lãnh đạo LĐLĐ TPHCM đề nghị, cần áp dụng các chế tài mạnh mẽ hơn, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật BHXH, chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Theo Công an TPHCM, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố từ cơ quan BHXH chuyển đến, nhưng chưa khởi tố được vụ án cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 917 đơn vị với tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 176,3 tỷ đồng. Các DN cũng đã khắc phục 52 tỷ đồng (trên 29%). Ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng số tiền BHXH chậm đóng toàn tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng (9.543 đơn vị, 300.397 lao động).
Tiền phong