MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp hàng không “đau đầu” vì …nghị định

01-08-2016 - 14:09 PM | Xã hội

Luật sư cho rằng, Nghị định 92 quy định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng có những điểm "đá" Luật hàng không dân dụng Việt Nam đang áp dụng khiến cho doanh nghiệp rất khó áp dụng.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Ngay khi vừa ban hành, nhiều luật sư đã lên tiếng cho rằng có những quy định khó hiểu, không phù hợp với Luật hàng không dân dụng đang áp dụng, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh an toàn hàng không.

Nghị định "đá" luật

Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 3 của Nghị định 92 có những quy định trái với Luật Hàng không Việt Nam tại khoản 1 Điều 198. Điểm c, khoản 1 Điều 4 Nghị định 92 là không đúng với khoản 2 Điều 109 Luật Hàng không Việt Nam: "Kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và do doanh nghiệp vận chuyển hàng không thực hiện".

Cùng với đó, Nghị định 92 còn có nhiều từ ngữ sử dụng không thống nhất, ví dụ thuật ngữ kinh doanh vận tải hàng không được sử dụng 19 lần rồi lại chuyển sang gọi là kinh doanh vận chuyển hàng không (29 lần).

Theo luật sư Lê Đình Vinh, giám đốc công ty luật Vietthink thì “Luật Hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam năm 2006 phân chia hoạt động hàng không thành “kinh doanh vận chuyển hàng không” và “hoạt động hàng không chung”. Cách phân chia này phù hợp với thông lệ các nước và các điều ước quốc tế về hàng không. Không rõ vì sao đơn vị soạn thảo Nghị định 92/2016/NĐ-CP lại thêm vào khái niệm mới là “kinh doanh vận tải hàng không. Khái niệm này hoàn toàn xa lạ và khiến cho các quy định của pháp luật về hàng không vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp. Nghị định 92/2016/NĐ-CP đã “đá” Luật HKDD Việt Nam”.

Cũng theo luật sư Vinh thì kinh doanh hàng không là lĩnh vực đặc thù, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì vậy Luật HKDD Việt Nam và Nghị định 30/2013/NĐ-CP đều quy định tách bạch điều kiện hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Trong khi đó, Điều 5 Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”. Quy định này khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, trong khi theo các luật chuyên ngành thì không có ngành nghề nào là “vận tải hàng không”.

Khó áp dụng

Chưa hết, tại các Điều 10, 11 và 12 Nghị định 92 lại quy định thủ tục cấp, cấp lại và hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung. Như vậy, ngay nội dung Nghị định 92 đã có nhiều điểm mâu thuẫn, khiến cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp rất khó áp dụng.

Thực tế, Điều 2 Nghị định 30/2013/NĐ-CP đã chia hoạt động hàng không chung thành hai loại là kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại và hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại. Điều kiện và thủ tục cấp phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại được quy định tại Chương II và điều kiện, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại được quy định tại Chương III Nghị 30/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, Nghị định 92/2016/NĐ-CP chỉ đề cập đến “kinh doanh hàng không chung”.

“Kinh doanh hàng không chung” được điều chỉnh bởi Nghị định 92/2016/NĐ-CP chính là “Kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại” theo quy định tại Nghị định 30/2013/NĐ-CP. Còn các hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì không áp dụng Nghị định 92/2016/NĐ-CP mà vẫn đăng ký hoạt động theo quy định tại Chương III Nghị định 30/2013/NĐ-CP. Dưới góc nhìn chuyên môn, đa phần các chuyên gia đều cho rằng quy định như trong Luật HKDD và Nghị định 30 là rõ ràng và dễ áp dụng hơn Nghị định 92. Nay với việc hai nghị định này song song tồn tại thì sẽ là một ma trận đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không.

Với những quy định rối rắm này, luật sư Lê Đình Vinh khuyến cáo, có thể làm “vướng” thêm cho doanh nghiệp.

Nguy cơ nhà nhà làm hàng không

Ngoài ra, nghị định còn có những điều khoản nới lỏng điều kiện cấp phép hàng không, dường như có lợi cho những doanh nghiệp từng xin cấp phép mà thiếu điều kiện về vốn, thiếu văn bản xác nhận vốn.

Luật sư Lê Đình Vinh cho rằng, “rất có thể, sau khi Nghị định này ban hành, hàng loạt các DN có thể xin cấp phép hàng không, nhà nhà làm hàng không, hệ luỵ cho nền kinh tế là rất nặng nề nếu các DN này không đủ năng lực về tài chính”.

Quân Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên