MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp kêu cứu vì giá cát tăng

19-10-2017 - 10:15 AM | Thị trường

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo tình hình giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng và cung cầu sử dụng cát xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp xây dựng cho rằng, giá cát tăng thời gian qua đã ảnh hưởng đến tình hình đầu tư xây dựng công trình của nhiều đơn vị.

DN lo vỡ tiến độ

Trong bối cảnh nguồn cung cát xây dựng khan hiếm như hiện nay, một số nhà thầu cho biết, họ có rất ít cơ hội để lựa chọn cát trên cơ sở chất lượng (cát tốt, cát xấu) và giá cả để thi công công trình. Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ công trình đã ký kết, hiện một số nhà thầu phải mua cả cát xấu để thi công công trình. Đề cập về câu chuyện này, các chuyên gia xây dựng cho rằng, nếu công trình xây dựng không được sử dụng cát chất lượng có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình.

Theo khảo sát, giá cát xây dựng đã tăng lên gấp 3 đến 4 lần so với thời điểm đầu năm, cụ thể, giá cát đầu năm 110.000 - 120.000 đồng lên tới gần 500 nghìn đồng/m3.

Nhằm gỡ khó cho nhà thầu khi giá cát xây dựng tăng cao, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, để bình ổn giá cát xây dựng và cát san lấp, cần thiết phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, quản chặt và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng cơ hội để làm giá, ảnh hưởng đến thị trường.

Bên cạnh đó, ông Nga đề xuất, Chính phủ nên mở ra một hướng khác trong việc bổ sung nguồn cung thay thế cát tự nhiên khi nguồn cung này không còn dồi dào. Chẳng hạn như muốn thúc đẩy sản xuất cát nhân tạo, Chính phủ cần có chính sách rõ ràng trong việc định hướng sử dụng cát nhân tạo, đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm này cũng như có các chương trình hỗ trợ DN phát triển sản xuất như: vốn, đất đai, kỹ thuật…

Kiến nghị chặn nạn đầu cơ, đẩy giá

Trước tình hình trên, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo tình hình giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng và cung cầu sử dụng cát xây dựng trên địa bàn.

Cụ thể, theo UBND TPHCM trong quá trình thẩm định thiết kế dự toán xây dựng công trình, nhiều chủ đầu tư đã xin rút hồ sơ thẩm định dự toán để điều chỉnh giá cát xây dựng, điều này làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện dự án cũng như thực hiện hợp đồng đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, một số chủ đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn thành phố có phản ánh giá cát tăng như hiện nay làm tăng dự toán trong quá trình thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Do đó, UBND thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh miền Tây, miền Đông và Nam bộ chỉ đạo các sở xây dựng chủ trì, phối hợp với sở tài nguyên và môi trường yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác, hỗ trợ tăng cường nguồn cung về cho TPHCM để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng của thành phố, phối hợp xử lý tốt trong cấp phép khai thác cát, nạn cát tặc…

Đồng thời, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương tăng cường tổ chức kiểm tra phối hợp với các địa phương, ngăn chặn, xử lý các trường hợp đầu cơ, lũng đoạn thị trường, gim hàng, đẩy giá lên cao trong hoạt động kinh doanh cát trái quy định.

Các bộ liên quan sớm phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 452/QĐ - TTg ngày 12.4.2017.

Theo T.Chí

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên