Doanh nghiệp khai thác đá kêu cứu trước nguy cơ phá sản hàng loạt
Ngày 1.7.2017, Thông tư số 44/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau (Thông tư 44) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, từ thời điểm ban hành đã vấp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) khai thác đá trắng.
Trong đơn kiến nghị gửi tới các Bộ, ngành Hội đã trắng Lục Yên (Yên Bai) và Hội Doanh nghiệp N&V Quỳ Hợp Nghệ An), đại diện cho các doanh nghiệp khai thác đá cho rằng, thuế suất tài nguyên được điều chỉnh tăng liên tục từ năm 2010. Tới nay, thuế này đã lên tới 15% doanh thu. Hiện tại, thêm Thông tư 44, DN biết tiếp tục sản xuất kiểu gì?
Đơn kiến nghị cho hay: “Bảng giá thuế tài nguyên ban hành kèm theo Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 19.7.2017 của UBND tỉnh Yên Bái chỉ quy định giá tính thuế tài nguyên đối với đá hoa trắng khối Block và đá trắng làm nguyên liệu nghiền bột CaCo3 (280.000 đồng/m3), không có quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với đá bìa tận dụng làm nguyên liệu xẻ đá tấm nhỏ diện tích bề mặt 0.1m2 trở lên. Nếu như tất cả đá bìa đều được đập nhỏ làm nguyên liệu nghiền bột CaCO3 thì sẽ lãng phí tài nguyên”.
Công văn số 01-08/2017/HĐTLY của Hội đá trắng Lục Yên đề nghị tháo gỡ khó khăn trong quy định tính thuế tài nguyên và phí cấp quyền khai thác mỏ khi cho rằng: Khung giá theo Thông tư 44 là không thực tiễn.
Điều này thể hiện ở các điểm: Thứ nhất, việc tính thuế tài nguyên không sát với thực tế chất lượng có tại các mỏ của tỉnh Yên Bái, qua đó buộc DN phải gây ra lãng phí tài nguyên. Ví dụ, đá hoa trắng (không phân biệt màu sắc, chất lượng) kích thước>= 0.4 m3 sau khai thác thấp nhất là 700.000, thuế tài nguyên 15%, chi phí khai thác trực tiếp là 6 triệu đồng/m3, chi phí tiền cấp quyền, phí môi trường đối với đá thải … thì giá thành là bao nhiêu? Trong khi, giá bán thực tế một khối đá hoa dạng khối loại 3 dao động ở mức 6 – 6.5 triệu đồng/m3. Chưa kể đến một số mỏ đá không liền khối, đá thủng … chỉ bán được ở mức từ 2 – 3 triệu đồng/m3. Vì thế, nếu tính theo khung giá quy định tại Thông tư 44 thì DN sẽ thua lỗ nhiều so với giá bán nếu mỏ đá không có đá hoa trắng loại 1, loại 2 mà chỉ có loại 3 – màu xám hoặc màu khác.
Theo đó, các chủ mỏ chỉ còn lựa chọn duy nhất là nổ mìn để tận thu đá hộc với giá bán khoảng 200.000 đồng/m3. Điều đó sẽ làm lãng phí tài nguyên, giảm thu ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, khung tiền cấp quyền khai thác theo Thông tư 44 được ông Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch Hội đá hoa trắng Lục Yên nhận định là “Chưa có cơ sở tính toán, không sát thực tế” về tỷ lệ thu hồi đá. Vì vậy, cần phải xác định tỷ lệ từng loại đá để có thể quy đổi giá tính thuế tài nguyên sang giá thuế tài nguyên cho phù hợp.
Lao động