MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng “do dự”

05-11-2021 - 19:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng “do dự”

Đại diện một Công ty xây dựng trăn trở rằng, dù đã đi cùng doanh nghiệp từ giai đoạn đầu, nhưng đến nay ngân hàng vẫn “do dự” xem có nên cho vay hay không, khiến doanh nghiệp... khó xử.

Ngân hàng vẫn “do dự”

Trong 3 quý đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng sâu rộng bởi đại dịch COVID-19, trung bình mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến kết quả này, là sự suy yếu về tài chính trong doanh nghiệp, không tiếp cận được nguồn vốn vay và thực trạng này hiện nay vẫn đang chưa có lời giải thoả đáng.

Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng “do dự” - Ảnh 1.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, chủ yếu từ việc thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và nguồn vốn cho chi phí trả lương cho người lao động (ảnh minh hoạ)

Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vào giữa tháng 8/2021, với sự tham gia của 21.517 doanh nghiệp, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc rút lui của doanh nghiệp, chủ yếu đến từ việc thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và nguồn vốn cho chi phí trả lương cho người lao động.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sài Gòn Triển Vọng cho biết, đại dịch đến khiến cho ngân hàng thận trọng hơn khi một doanh nghiệp đệ trình phương án vay vốn. Ngoài vấn đề tài sản thế chấp, thì ngân hàng còn định giá một cách dè dặt để đảm bảo khả năng thanh khoản nếu doanh nghiệp không trả nợ được. Còn vay tín chấp ở thời điểm này càng bị hạn chế so với trước đây.

Chia sẻ với báo chí, ông Võ Đại Khôi, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần xây dựng Trung Hậu bày tỏ, công ty đã đầu tư một khu du lịch sinh thái ở Huế từ 4 năm trước, từ các khâu chuẩn bị đất đai, giải tỏa đền bù và thời điểm có giấy phép xây dựng là cuối năm 2020. Nhưng đến nay, khi tới giai đoạn bắt đầu triển khai dự án thì phía ngân hàng, dù đã đi cùng doanh nghiệp từ giai đoạn đầu, nhưng họ vẫn “do dự” xem có nên cho vay hay không, khiến doanh nghiệp cũng... khó xử.

Hiện tại ngân hàng đã kéo hồ sơ của doanh nghiệp ra, đồng ý muốn đi thẩm định dự án ở Huế, nhưng lại không đi được do dịch bệnh và giãn cách, trong khi Huế có chi nhánh... nhưng phía ngân hàng cứ nhất thiết phải để Hội sở đi thẩm định, nên doanh nghiệp phải chờ và thậm chí cũng không biết là do ngân hàng không muốn cho vay, hay là do dịch bệnh ảnh hưởng”, ông Khôi băn khoăn.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý 3 năm nay, thì tài chính là vấn đề khó khăn lớn thứ ba tác động đến doanh nghiệp. Dù trước đó, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, thông qua các hình thức như yêu cầu các ngân hàng thương mại tiến hành giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại các khoản nợ. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay theo chính sách cho doanh nghiệp vẫn ở tình trạng chờ đợi.

60% DNNVV chưa tiếp cận được vốn ngân hàng

Xét đủ hai mặt của một vấn đề, thì việc khó tiếp cận nguồn vốn vay còn đến từ cả doanh nghiệp. Sau thời gian ngấm đòn của COVID-19, các doanh nghiệp đã suy yếu sức khỏe tài chính, không đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn vay, trong khi phía cho vay là ngân hàng thương mại thì rủi ro nợ xấu treo lơ lửng, dẫn đến động thái nghiêm ngặt và thận trọng trong các quyết định giải ngân, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì còn khó khăn hơn.

Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng “do dự” - Ảnh 2.

Có 60% DNNVV vẫn chưa sử dụng nguồn vốn ngân hàng và phần lớn trong số này cũng không tiếp cận được nguồn vốn phi ngân hàng khác (ảnh minh hoạ)

Theo ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng ĐH Tài chính Marketing đánh giá, mặc dù có các chương trình cho vay ưu đãi, nhưng các ngân hàng thương mại luôn yêu cầu phải có tài sản bảo đảm, như bất động sản, phải có nhà, còn nếu chỉ có đất thì cũng vẫn rất hạn chế.

Trong khi đó, nội tại hệ thống quản trị của các DNNVV không được tốt, tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao và về mặt kế toán cũng còn hạn chế. Có khi trong doanh nghiệp lại có tới hai loại sổ sách kế toán khác nhau, cho nên khi ngân hàng tiếp cận với hệ thống sổ sách của các doanh nghiệp, thấy chưa đảm bảo được tính minh bạch và niềm tin, sẽ dẫn đến khó khăn trong quyết định cho vay”, vị Phó Hiệu trưởng nhận định.

Cùng quan điểm đó, ông Chu Tiến Dũng, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:

Thứ nhất, không có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch cao trong các hoạt động tài chính và có những giới hạn nhất định, nên việc kiểm soát hoạt động tài chính này khiến ngân hàng gặp khó khăn.

Thứ hai, một doanh nghiệp lại giao dịch với rất nhiều ngân hàng, khiến dòng tiền đi qua nhiều ngân hàng, vì thế ngân hàng cũng khó theo dõi và quán xuyến được các dòng tiền mình cho vay hoàn về như thế nào và để đảm bảo điều đó không dễ dàng.

Theo tôi, giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần có sự bàn thảo, chấp thuận nhất định thì mới tháo gỡ được, trong bối cảnh ngân hàng luôn luôn lấy điều khoản an toàn cho ngân hàng là tài sản thế chấp để bảo đảm nguồn vốn vay”, ông Dũng nói.

Để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay một cách dễ dàng hơn, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn này cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều không thể thiếu là sự đồng hành, chia lửa của ngân hàng để thấu hiểu, nắm bắt doanh nghiệp khó gì, cần gì, từ đó có phương án xử lý nhanh gọn, linh hoạt, hoặc đưa ra những gói giải pháp thiết thực, phù hợp với nhu cầu tài chính của doanh nghiệp theo từng giai đoạn khác nhau.

Thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp ngành đã triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cần tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để đáp ứng các nhu cầu cấp bách khi nền kinh tế mở cửa. Thực tế, các doanh nghiệp bị mất cân đối về dòng tiền, thu không có, chi vẫn phát sinh mỗi ngày, nhưng tiền đâu để tiếp tục phục hồi sản xuất là vấn đề cực kỳ khó khăn. Nhưng phía ngân hàng cũng chưa có một ý định rõ ràng, làm sao để tạo dòng tiền cân đối phục vụ sản xuất mới cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 60% DNNVV vẫn chưa sử dụng nguồn vốn ngân hàng và phần lớn trong số này cũng không tiếp cận được nguồn vốn phi ngân hàng khác. Do đó, việc hiểu rõ các tiêu chí đánh giá khoản vay, sẽ giúp các DNNVV gia tăng khả năng vay vốn thành công, bên cạnh những tiêu chí rất rõ ràng như lịch sử tín dụng, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm,... thì việc đầu tiên và không kém phần quan trọng, là doanh nghiệp phải hiểu rõ về mục đích sử dụng khoản vay mong muốn, những mục đích sử dụng này cần được liệt kê rõ ràng, chi tiết, kèm theo đó là sự chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cụ thể, giúp minh chứng cho ngân hàng hiểu và tin tưởng vào mục đích vay vốn của mình. Trước những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp, thì ngân hàng cũng nên đưa ra nhiều phương án tài chính khác nhau, cùng sự điều chỉnh phù hợp với thực tại, để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên