MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp khiến 4 'cá mập' đồng lòng không mặc cả, làm phi lợi nhuận, Shark Minh tặng thêm 500 triệu đồng: CEO từng là trẻ đánh giày, giúp hàng chục người thay đổi cuộc đời

06-08-2024 - 07:13 AM | Doanh nghiệp

Sau khi CEO của Bệnh viện Đồ Da kêu gọi 500 triệu đồng cho 8% cổ phần, không có "cá mập" nào thương lượng lại, thậm chí đồng ý đầu tư không lợi nhuận. Shark Minh Beta đã trao ngay vé vàng 500 triệu tại trường quay. Đằng sau doanh nghiệp này là một câu chuyện xúc động.

Doanh nghiệp khiến 4 'cá mập' đồng lòng không mặc cả, làm phi lợi nhuận, Shark Minh tặng thêm 500 triệu đồng: CEO từng là trẻ đánh giày, giúp hàng chục người thay đổi cuộc đời- Ảnh 1.

"Ký ức trong những năm tháng tuổi thơ của tôi là những trận đòn, những lần bị trấn lột, đánh đập, thậm chí suýt chút nữa bị lạm dụng. Quả thật có quá nhiều hiểm nguy đối với những đứa trẻ đường phố như bọn tôi", anh Nguyễn Văn Phúc – Founder & CEO của Bệnh viện Đồ Da mở đầu phần pitching trong tập 2 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7.

Phúc sinh ra trong một gia đình làm nông, bố là thương binh và mất năm anh 11 tuổi. 4 chị gái của anh đều phải nghỉ học, và bản thân anh đã đi đánh giày để có tiền trang trải học phí. Công việc này giúp Phúc học hết phổ thông và đỗ đại học, nhưng dù đi học hay sau này đi làm, anh vẫn luôn duy trì công việc đánh giày.

Năm 2018, Phúc nhận thấy thị trường chăm sóc đồ da ở Việt Nam thực sự tiềm năng, đồng thời được tiếp xúc với các quy trình ở các nước trên thế giới. Cùng với một người đánh giày khác tên là Chiến, hai người vay được 100 triệu đồng và thành lập Bệnh viện Đồ Da, sau đó đón những người yếu thế và lao động đường phố về làm cùng.

"Mọi người được học kỹ thuật phục chế đồ da, đồ hiệu, may bọc sofa… Sau hơn 5 năm, doanh nghiệp đã có gần 50 bạn bước ra khỏi vùng tối của bản thân, trong đó có những bạn từng là nạn nhân của tảo hôn, nạn buôn bán người… để có việc làm trong môi trường ổn định, lương hàng tháng từ 9 – 15 triệu đồng", Phúc cho hay.

Đến với Shark Tank để kêu gọi 500 triệu đồng cho 8% cổ phần, Phúc dự định dùng số tiền này mở một cơ sở Bệnh viện Đồ Da mới tại TP.HCM, từ đó có thể giúp đỡ được nhiều người yếu thế hơn, đặc biệt ở Tây Nguyên bởi đây là khu vực có rất nhiều bạn trẻ dễ bị dụ dỗ.

CEO của Bệnh viện Đồ Da cho biết các nhân viên được đào tạo trong 6-9 tháng để có thể làm thuần thục. Sau khi gắn bó với doanh nghiệp, những người này có thể được hỗ trợ thêm về vốn và kỹ thuật để ra ngoài tự làm chủ. Họ cần cam kết tiếp tục hỗ trợ những người yếu thế khác để tạo thành một cộng đồng.

"Khí hậu Việt Nam khiến đồ da rất nhanh bị rạn, nứt. Bọn em hoàn toàn có thể phục hồi chúng về nguyên trạng ban đầu mà không cần thay thế, đồng thời dự định sản xuất các sản phẩm chăm sóc đồ da 'Made in Vietnam', chất lượng tương tự sản phẩm của Anh, Pháp, Đức, từ đó giúp tự chủ hơn và hạ giá thành", Phúc trình bày trước các Shark.

Theo kế hoạch của Phúc, cơ sở tại TP.HCM của Bệnh viện Đồ Da cần số vốn 700 triệu đồng, trong đó 200 m2 để sản xuất – chi phí đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng, cộng thêm mặt bằng cho mọi người ở - cần thêm tầm 15-20 triệu. Máy móc, đồ kỹ thuật sẽ rơi vào khoảng hơn 200 – gần 300 triệu đồng. Phúc dự kiến cơ sở này sẽ hoàn vốn sau 2 năm.

Doanh nghiệp khiến 4 'cá mập' đồng lòng không mặc cả, làm phi lợi nhuận, Shark Minh tặng thêm 500 triệu đồng: CEO từng là trẻ đánh giày, giúp hàng chục người thay đổi cuộc đời- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Phúc – Founder & CEO của Bệnh viện Đồ Da.

Shark Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners, cho biết quỹ của ông luôn dành tỷ lệ nhất định để đầu tư cho những startup đem lại ý nghĩa cho xã hội, cộng đồng. Vì vậy, "cá mập" này đồng ý với đề nghị của Phúc, không thương lượng thêm, không nhận cổ tức, nhưng yêu cầu được kiểm soát hiệu quả của hoạt động đầu tư.

Shark Nguyễn Phi Vân cũng đồng ý với đề nghị doanh nghiệp đưa ra, đồng thời cho biết thêm rằng bà sẽ hướng dẫn 2 mô hình phù hợp với Bệnh viện Đồ Da là nhượng quyền vi mô dành cho những tổ chức xã hội và nhượng quyền công việc cho các nhân viên. Điều kiện của "nữ cá mập" là Bệnh viện Đồ Da nên là doanh nghiệp xã hội thay vì doanh nghiệp thương mại. Shark Phi Vân cũng sẽ không lấy bất kỳ lợi nhuận nào.

Shark Nguyễn Văn Thái cũng ra đề nghị đầu tư tương tự và mong muốn 3 năm hoàn vốn.

Shark Nguyễn Hòa Bình là người duy nhất từ chối, cho biết ông sẽ đầu tư ở các vòng tiếp theo, khi doanh nghiệp đã tìm ra long mạch, cần nhiều vốn hơn để nhân rộng mô hình.

Shark Bùi Quang Minh đồng ý hoàn toàn với đề nghị của CEO Bệnh viện Đồ Da, đồng thời rút vé vàng tặng thêm cho doanh nghiệp 500 triệu đồng – bằng số vốn doanh nghiệp kêu gọi. Ông chủ Bệnh viện Đồ Da đã nhận vé vàng, đồng ý bắt tay với Shark Minh.

Tuy nhiên, Shark Hưng cho rằng "lòng tốt không nên độc quyền", nên đề nghị cả 4 Shark cùng đầu tư.

Cuối cùng, Nguyễn Văn Phúc đã đồng ý nhận đầu tư từ cả 4 Shark với số vốn 500 triệu đồng cho 8% cổ phần, như đề nghị ban đầu của anh.

Theo Minh Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên