MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp khu công nghiệp kỳ vọng vào dòng vốn FDI phục hồi

Dòng vốn FDI được dự báo phục hồi tốt vào từ năm 2024, tập trung vào ngành bán dẫn và năng lượng tái tạo. Những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có diện tích đất sẵn sàng cho thuê lớn được đánh giá cao trong bối cảnh thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng còn chậm.

Dòng vốn FDI khởi sắc trở lại

Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%.

Trong 9 tháng, có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, chiếm 14,5%; Trung Quốc đứng thứ 2 với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5%; Nhật bản gần 2,9 tỷ USD, chiếm 14,3%. Trong khi Singapore giảm thì Trung Quốc gần gấp đôi và Nhật Bản gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp khu công nghiệp kỳ vọng vào dòng vốn FDI phục hồi - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ MPI

Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài cho biết thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới như xung đột chính trị tại một số quốc gia; áp lực giá cả và lạm phát; nhu cầu hàng hoá toàn cầu có xu hướng giảm; điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt; rủi ro của hệ thống ngân hàng... Do vậy, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững, nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, đưa dòng vốn FDI quay trở về nước. Cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực cũng dần “tăng nhiệt” với nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Theo đó, dòng FDI vào Việt Nam cũng ghi nhận mức sụt giảm trên hai chữ số trong 4 tháng đầu năm. Song, cho đến tháng 7 thì thu hút FDI lũy kế đã có sự tăng trưởng dương trở lại so với cùng kỳ năm trước với 4,5%, qua tháng 8 tăng 8,2% và tháng 9 tăng 7,7%.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ đây là thành quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời, linh hoạt với giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Doanh nghiệp khu công nghiệp hưởng lợi

VCBS cho rằng việc Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp thay đổi mạnh về công nghệ, thu hút đầu tư vào công nghệ cao, chất bán dẫn… Vừa qua, Chính phủ đã ký được một số MOU về hợp tác đào tạo nhân lực các lĩnh vực này làm tiền đề cho một làn sóng đầu tư mới vào chất bán dẫn, công nghệ AI, chip… trong thời gian tới.

Việt Nam đang có 1 nhà máy kiểm định và đóng gói chip của Intel tại khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn lên tới 1,5 tỷ USD và có ý định tăng thêm 1 tỷ USD mở rộng. Đây chỉ là nhà máy ở công đoạn cuối cùng, chiếm dưới 10% giá trị gia tăng của chip. Tháng 9 vừa qua, Hana Micron đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn (giai đoạn 2) đầu tiên tại Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành với giá trị gia tăng trên sản phẩm ngày một tăng giúp giữ vững tính cạnh tranh khi các yếu tố lợi thế về lao động ngày một giảm so với các nước trong khu vực.

Doanh nghiệp khu công nghiệp kỳ vọng vào dòng vốn FDI phục hồi - Ảnh 2.

Triển vọng thu hút FDI năm 2024 sáng, nguồn: internet

SSI Research nhận xét vốn FDI giải ngân 3 quý đầu năm đạt 15,9 tỷ USD, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Vốn FDI giải ngân sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất (liên quan chất bán dẫn) và năng lượng tái tạo. Nhu cầu thuê khu công nghiệp ở miền Bắc tăng tích cực nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Các khu công nghiệp miền Nam sẽ phục hồi từ mức thấp trong 2023, chủ yếu các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu, logistics, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Sự phục hồi của dòng vốn FDI sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp là đối tượng đầu tiên hưởng lợi. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy diện tích cho thuê của khu công nghiệp Việt Nam đạt 620 ha trong 9 tháng, đạt 56% kế hoạch năm. SSI Research dự đoán diện tích cho thuê các khu công nghiệp năm 2024 sẽ tăng 20 – 25% so với 2023. Các hợp đồng đã ký MOU trong nửa cuối năm 2023 sẽ được ghi nhận vào 2024.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng thủ tục pháp lý trong cấp phép đầu tư khu công nghiệp vẫn còn chậm trễ và khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến nguồn cung các khu công nghiệp mới hạn chế. Dù vậy, điều này lại cho thấy tầm quan trọng của khu công nghiệp hiện tại. Giá thuê trung bình dự kiến tăng 5% trong năm 2024.

Theo đó, các chủ đầu tư có khu công nghiệp hiện hữu với diện tích còn lại sẵn sàng cho thuê lớn như IDC, KBC, VGC, SZC và BCM có lợi thế và được đánh giá cao.

Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) kỳ vọng sớm có quyết định phê duyệt cuối cùng đối với khu công nghiệp Tràng Duệ 3 để cho thuê từ cuối 2023 hoặc đầu 2024. Doanh nghiệp cho biết có khoảng 200 ha đất (trong tổng số 687 ha) đã được giải phóng mặt bằng và có một số khách thuê chờ. Công ty cũng đang đẩy nhanh quá trình thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng tại tỉnh Bắc Ninh (khu công nghiệp Quế Võ mở rộng với 150 ha) và tỉnh Long An (khoảng 1.000 ha). Do đó, SSI Research đánh giá mặc dù tốc độ bàn giao đất công nghiệp có thể chậm lại trong nửa cuối năm 2023, nhưng các dự án mới như Tràng Duệ 3, Quế Võ mở rộng và các dự án ở Long An sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu chính của KBC trong năm 2024 trở đi.

Viglacera (HoSE: VGC) là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành vật liệu xây dựng gồm kính, gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh. Công ty cũng sở hữu lớn diện tích đất và dịch vụ khu công nghiệp ở miền Trung và miền Bắc khi phát triển tổng cộng 11 khu công nghiệp, hiện tại có 740 ha đất sẵn sàng cho thuê.

Doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu Becamex (HoSE: BCM) có tổng diện tích đất sẵn sàng cho thuê đạt 888,5 ha. Đồng thời, quỹ đất thương mại tại Thành phố mới Bình Dương lên tới 1.250 ha (do Becamex sở hữu 100%), tỷ suất lợi nhuận ở mức 43%. Bên cạnh đó, Liên doanh VSIP-Warburg Pincus được dự báo có lợi nhuận khá tốt do nhu cầu thuê đất và nhà xưởng tăng lên.

Với IDICO (HNX: IDC), VCBS cho biết tổng công ty còn hơn 667 diện tích đất có thể cho thuê, tập trung chủ yếu ở Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Bình. Khu công nghiệp có nhiều diện tích trống nhất là Hữu Thạnh, diện tích thương phẩm còn lại lên đến 140 ha giá thuê trung bình khoảng 140 USD/m2/thời hạn thuê.

Theo Mỹ Hà

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên