MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Doanh nghiệp kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để hạn chế tối đa việc đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều DN kiên trì việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Đã có hàng nghìn ca nhiễm COVID-19 trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành tiếp giáp với thành phố. Để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa chống đứt gãy chuỗi sản xuất chính quyền TP Hồ Chí Minh yêu cầu, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện chống dịch sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động.

Doanh nghiệp sản xuất phải thực hiện được "3 tại chỗ" là: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ. Doanh nghiệp sẽ phải tổ chức cho toàn bộ số công nhân sản xuất tự cách ly ngay tại nhà máy. Nếu không thể làm được điều này, doanh nghiệp có thêm một lựa chọn khác là tổ chức sản xuất theo nguyên tắc "1 cung đường - 2 địa điểm".

Nghĩa là phải tổ chức 1 địa điểm bên ngoài nhà máy như khách sạn, ký túc xá... để tập trung toàn bộ số công nhân sản xuất ở đây sau giờ làm, thay vì để công nhân phân tán rải rác về nhà, chỗ trọ như bình thường. Đảm bảo trong thời gian này công nhân chỉ di chuyển giữa 2 địa điểm nhà máy và chỗ ở tập trung.

Vừa chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo chuỗi sản xuất

Đến nay, đã có 600 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với 123.900 công nhân đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Hai tuần nay, chị Lưu Thị Mỹ Uyên - công nhân CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, TP Hồ Chí Minh - được công ty sắp xếp ở lại với khoảng 1.200 anh chị em công nhân khác. Lúc đầu khi được vận động, chị còn e ngại, song từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh, việc ở lại nhà máy trong giai đoạn này với chị Uyên là cần thiết.

"Hạn chế tiếp xúc với bên ngoài công ty mang đến sự an toàn cho mọi người, không lây nhiễm nên tôi thấy rất an tâm khi làm việc. Công ty rất quan tâm đến sinh hoạt tại chỗ cho người lao động", chị Uyên nói.

Việc tổ chức ăn nghỉ cho cả nhà máy 1.200 công nhân khiến doanh nghiệp phát sinh không ít chi phí. Đổi lại, doanh nghiệp có thể tăng gấp đôi công suất, hoàn thành vai trò bình ổn thị trường trong những ngày giãn cách xã hội.

Ông Phan Văn Dũng - Phó TGĐ CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Họ ở công ty thì công ty cũng phải hỗ trợ để tạo động lực cho người lao động yên tâm ở lại sản xuất, đáp ứng đủ sản lượng cung ứng ra thị trường".

Doanh nghiệp kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” - Ảnh 1.

Để chống đứt gãy sản xuất, nhiều doanh nghiệp chạy đua thực hiện “3 tại chỗ”. (Ảnh: TTXVN)

Các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã nhanh chóng bố trí nơi ăn ở tại chỗ cho ít nhất 30 - 40% số nhân sự chủ chốt, đủ để đảm bảo chuỗi sản xuất không đứt gãy.

Bên cạnh phương án "3 tại chỗ", giải pháp ứng dụng công nghệ để chủ động xét nghiệm, truy vết trong khu công nghiệp cũng đang được triển khai.

Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương, đến nay đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.200 lượt doanh nghiệp để làm công tác tự lấy mẫu. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã đạt tỷ lệ xét nghiệm 100% nhân sự công ty, so với tỷ lệ yêu cầu của ngành y tế là 20%.

Chính thức giảm lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu

Ngoài nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp, các ngoại lực như cơ quan quản lý, các Bộ, ngành cũng đã có những hỗ trợ cụ thể. Bộ Công Thương đã có những cuộc họp khẩn, trong đó có một số nội dung được bàn thảo như là đề nghị sự phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, đảm bảo sự lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Ngân hàng Nhà nước đã cũng đã họp khẩn và yêu cầu hệ thống các tổ chức tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ đợt dịch bệnh này với tổng mức là 68.000 tỷ đồng. Đã có những ngân hàng đầu tiên công bố mức giảm lãi suất cho vay cụ thể, có nhóm lên tới 2,5%/năm. Điểm khác biệt của đợt này giảm lãi trên các khoản vay hiện hữu, từ nay tới hết năm 2021.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank cho biết, với lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch như vận tải, kho bãi, du lịch, nhà hàng, nông nghiệp... doanh nghiệp sẽ được giảm đồng loạt 1%/năm. Nhóm còn lại cũng được giảm tới 1%. Người vay cá nhân được giảm từ 0,5 -1%/năm.

"Ngoài giảm lãi suất cho đợt 3 này của Vietcombank với quy mô 1.800 tỷ đồng thì từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục triển khai giảm lãi suất cho các khách hàng. Nếu tính cả 6 tháng đầu năm, tổng lãi Vietcombank giảm thông qua việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 6.100 tỷ đồng", ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank nói.

Doanh nghiệp kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” - Ảnh 2.

Đã có 600 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với 123.900 công nhân đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ". Ảnh: PLO.

Mạnh tay hơn, Ngân hàng Agribank giảm cho toàn bộ người vay bằng tiền đồng, khoảng 3 triệu khách hàng, với tổng dư nợ 1,2 triệu tỷ đồng. Đáng nói, khách hàng không cần làm thủ tục, tất cả giảm tự động ở ngân hàng.

BIDV cũng dành 6.100 tỷ đồng hỗ trợ, giảm lãi bình quân 1%/năm. Ở khối ngân hàng tư nhân, TPBank giảm từ 0,5% - 1,2%/năm lãi suất cho doanh nghiệp, 1% cho cá nhân. Tổng dư nợ ước tính gần 45.000 tỷ đồng.

Dù có nội lực áp dụng 3 tại chỗ hay được hỗ trợ từ phía các chính sách thì tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất là khó tránh khỏi.

Nhìn lại trường hợp của Bắc Giang trước đó, ước tính cứ mỗi ngày buộc phải giãn cách thì sẽ hụt thu 2.000 tỷ đồng GDP. Vậy với quy mô GDP TP Hồ Chí Minh lớn hơn gấp 11 lần Bắc Giang, và thời gian phong toả theo Chỉ thị 16 kéo dài trong 14 ngày, tác động sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” - Ảnh 3.

TP Hồ Chí Minh yêu cầu nếu doanh nghiệp không đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện chống dịch sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động. Ảnh: Báo Đầu tư.

Theo các chuyên gia, các gói hỗ trợ đều đã được triển khai, từ giãn hoãn thuế và tiền thuê đất, cắt giảm lãi suất và không chuyển nhóm nợ, hay hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, rồi bám sát tiến độ giải ngân đầu tư công.

Tuy nhiên đó mới chỉ là tiếp sức bởi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ y tế, vậy nên cần một liều thuốc có thể cắt bệnh dứt điểm này đó là các giải pháp y tế rốt ráo và linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm.

GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020. Kinh tế TP Hồ Chí Minh đóng góp trung bình khoảng hơn 22% kinh tế cả nước. Hiện Chính phủ vẫn giữ mục tiêu GDP tăng trưởng 6% năm nay.

Đây là một thách thức lớn, bởi để đạt được mục tiêu này nửa còn lại của năm, nền kinh tế sẽ cần phải tăng trưởng ở mức 6,3%. Dẫu có khó khăn, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá cao về tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Khi số ca nhiễm lên đến mức nguy cơ cao, bài toán đảm bảo "mục tiêu kép" - vừa chống dịch, vừa sản xuất lại sẽ càng phức tạp gấp bội. Sự phức tạp đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải hy sinh một phần nào đó để đảm bảo chuỗi sản xuất lớn hơn không bị đứt gãy theo. Sự phức tạp cũng đòi hỏi phía chính quyền, cơ quan quản lý những cách làm linh hoạt, mang tính thấu hiểu nhiều hơn để thực sự đồng thành với doanh nghiệp vượt khó tất cả vì mục tiêu chung.

Theo VTV.vn

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên