MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lại lao đao vì giá logistics leo thang

Doanh nghiệp lại lao đao vì giá logistics leo thang

Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất phản ánh, dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước và Việt Nam thời gian qua đã khiến dịch vụ logistics tiếp tục bị đẩy giá dẫn tới DN bị đội giá khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Với DN trong nước, giá thuê kho bãi, kho lạnh bắt đầu tăng trở lại càng khiến DN khó khăn.

Kho lạnh khan hiếm, tăng giá 20-25%

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, hệ thống kho lạnh tồn trữ hàng hóa là điểm yếu của ngành xuất khẩu Việt Nam. Theo ông Tùng, hiện hệ thống kho lạnh tại TPHCM và các tỉnh lân cận đang trong tình trạng “hết chỗ chứa”. Nhiều lô hàng chưa xuất được nên phải để tồn kho. Tuy nhiên, giá lưu kho lạnh đang tăng 20-25% so với đầu năm ngoái, khoảng 1,2-2 triệu đồng/tấn/ngày, khiến DN “xót hết ruột”.

Doanh nghiệp lại lao đao vì giá logistics leo thang - Ảnh 1.

Kho lạnh trong nước tăng giá khiến DN gặp khó khăn


Theo ông Tùng, hiện DN phải chi thêm hàng tỷ đồng mỗi tháng để lưu kho. Nhiều DN không gánh nổi chi phí nên không dám mở rộng thu mua nông sản hoặc nhận thêm đơn hàng. Nhiều khi mua xong, hàng chưa xuất được đã rơi vào tình trạng hỏng, khiến DN càng thua lỗ hơn.

Đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho biết, trong chế biến thủy sản, nếu có hệ thống kho lạnh công suất lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp DN giữ thăng bằng cung cầu, tránh những rủi ro cho người nuôi cá. Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các DN chế biến thủy sản chỉ có kho lạnh với sản lượng nhỏ, khoảng 2.000-3.000 tấn, hiếm có những kho đạt tới 5.000 tấn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu mà còn khiến DN hạn chế, không dám nhập khẩu các sản phẩm khác dự trữ để chế biến. Trong tương lai cần hệ thống kho lạnh có công suất và sản lượng tồn trữ lớn từ 50 đến 100 nghìn tấn hoặc hơn thế nữa.

Theo ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), theo phản ánh của các DN, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID, 30-50% các đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến nguồn hàng tồn kho leo thang, khiến các kho lạnh phải hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, nguồn cung kho lạnh của Việt Nam rất hạn chế, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam và khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các DN không thể thu mua nguồn nguyên liệu tôm cá nhiều hơn mà người dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu trở lại”, ông Hòe cho hay.

Theo ông Hòe, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn chưa theo kịp nhu cầu của ngành. Đại diện VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách, giải pháp cho DN tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho có công suất tối thiểu là 5.000 kệ kê hàng trở lên; hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Giá vỏ container xuất khẩu tăng cao

Ông Bùi Đoàn Thắng, Giám đốc Cty CP Container Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu, điển hình như sắt thép. So với thời điểm tháng 9/2020, giá sắt thép tăng 100%, trong khi giá bán container tăng tối đa khoảng 10-20%. Vì vậy, DN giảm hết lợi nhuận để bù vào chênh lệch giá. Hiện tại, giải pháp duy nhất của DN là giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn để duy trì sản xuất, cầm cự cho giai đoạn này, đảm bảo công việc cho người lao động. Quan trọng hiện nay, DN phải đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công nhân viên, người lao động.

"Việc thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các DN không thể thu mua nguồn nguyên liệu tôm cá nhiều hơn mà người dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu trở lại".

Ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng thư ký VASEP

“Logistics là vòng khép kín, khi DN xuất khẩu hàng ra nước ngoài, thường có hàng nhập khẩu quay đầu hoặc vỏ rỗng về Việt Nam. Nhưng dịch bệnh khiến chu trình này gián đoạn, gây khan hiếm và khiến cước vận tải tăng lên, ảnh hưởng xuất khẩu của DN. Giá container dùng cho xuất khẩu hàng hoá tăng tới 150% vì ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn cung trong nước khan hiếm”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, hiện nay, trong nước chưa có đơn vị nào đủ tiêu chuẩn sản xuất container xuất khẩu mà đa số phải đặt sản xuất ở Trung Quốc và nhập khẩu. Vì vậy, DN trong nước cạnh tranh rất khó khăn, nhất là về giá bán.

“Trước đây, chúng tôi từng sản xuất container xuất khẩu nhưng không cạnh tranh được. Chỉ duy nhất Hòa Phát đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất container xuất khẩu, ông Thắng cho biết.

Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, ông Thắng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp tạo thuận lợi cho DN như tháo gỡ khó khăn trong hải quan, thông quan hàng hóa để tạo điều kiện cho DN phát triển.

Theo Dương Hưng-Quỳnh Nga-Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên