MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lao đao

Trao đổi với Tiền Phong, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay, cuộc làm việc mới đây với các doanh nghiệp (DN) sản xuất lớn cho thấy tình hình khá bi đát. Hàng loạt DN dệt may, ô tô, thiết bị điện tử… sẽ phải đóng cửa nếu tình hình không được cải thiện.

Lâm cảnh không lối thoát

Hầu hết các DN sản xuất thuộc các ngành dệt may, da giày, chế tạo máy, sản xuất ô tô, cho đến lắp ráp, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử công nghệ cao đều phụ thuộc nguồn hàng, nguyên liệu và thiết bị phụ trợ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nên khi dịch xuất hiện và bùng phát nhanh tại các nước này, nhiều DN đang đứng trước cảnh chuẩn bị đóng cửa vì thiếu nguyên liệu để sản xuất. Ngay cả những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô rất lớn cũng như DN có tỷ lệ nội địa hóa cao cũng đang đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu một số linh phụ kiện.

Theo ông Hoài, hiện các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3. Với hàng dệt may và da- giày, tình trạng khá căng thẳng khi hầu hết DN chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Khả năng nhiều DN trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn. “Dự kiến đến cuối quý I/2020, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất", ông Hoài nói.

Không có tia sáng le lói nào trong bối cảnh hiện nay là đánh giá của lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khi trả lời câu hỏi về việc tìm thị trường cung cấp thay thế. Theo ông Hoài, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay chủ yếu được tổ chức theo chuỗi giá trị rất chặt chẽ, ngay cả trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu và linh phụ kiện đầu vào. Vì vậy, việc ngay lập tức tìm được nguồn thay thế các yếu tố này trong ngắn hạn là hết sức khó khăn.

“Với ngành ô tô, linh kiện điện tử, hiện không có lối thoát. Các nguyên phụ liệu cao cấp hoặc các sản phẩm linh kiện, phụ tùng rất khó có thể tìm nguồn thay thế do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia. Chưa kể đến vấn đề bản quyền. Như với sản xuất ô tô, mỗi hãng một mẫu thiết kế và có bản quyền nên không thể lắp đèn pha của xe Mercedes sang xe Toyota và ngược lại. Chưa kể dù các DN phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại, đến giờ, mọi thứ giá đã tăng lên rất nhiều. Chưa kể DN dù khó khăn cũng không dám kêu quá nhiều vì sợ đối thủ biết điểm yếu”, ông Hoài phân tích.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, giám đốc điều hành một doanh nghiệp sản xuất máy công cụ lớn có chi nhánh ở cả 3 miền cho biết, hiện công ty cũng trong cảnh hoạt động cầm cự. Dù đã có tỉ lệ nội địa hóa rất cao nhưng một số chi tiết máy và phụ tùng vẫn phải nhập từ Trung Quốc nên nếu dịch kéo dài, công ty sẽ dự tính đóng cửa trong 1 tháng tới vì hết phụ tùng dự phòng. Nhân viên công ty đã tỏa đi khắp các thị trường nhưng việc đáp ứng mẫu của thiết bị và thời gian sản xuất đang là bài toán lớn nhất.

“Nếu tình hình không thay đổi, cả nghìn lao động của đơn vị sẽ phải nghỉ việc chờ thiết bị. Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu linh kiện đầu vào, các DN sẽ phải chịu cú sốc rất lớn khi không có dòng tiền để thanh toán các chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động... Thiệt hại tính bằng con số nghìn tỷ doanh thu với các DN trong ngành trong năm nay là chắc chắn”, vị này chia sẻ.

Nguy cơ đóng cửa vì thiếu chuyên gia

Theo thông tin của Tiền Phong, nhiều DN sản xuất, đặc biệt là các DN sản xuất xe tải tại Việt Nam có sử dụng các chuyên gia từ Trung Quốc để phục vụ công tác thử nghiệm sản phẩm hoặc hỗ trợ vận hành dây chuyền sản xuất cũng đang trong cảnh tạm dừng hoạt động, sản xuất cầm chừng do chuyên gia hiện vẫn chưa trở lại Việt Nam để làm việc.

Theo thông tin từ các DN sản xuất ô tô trong nước, dự báo đến giữa hoặc cuối tháng 3, tác động của tình hình dịch bệnh đến sản xuất trong nước sẽ rõ rệt, theo hướng sản lượng sản xuất trong nước sẽ bắt đầu giảm, hoạt động của các DN sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu Chính phủ không có các biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ các điểm nghẽn nêu trên.

Một số DN sản xuất các mặt hàng điện tử lớn đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc này. LG Việt Nam cho biết hãng đang phải đối mặt việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Thống kê của Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội da giày Việt Nam cho thấy, cùng với việc gặp khó trong nhập khẩu nguyên phụ liệu, việc rất nhiều nhà quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên, công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp dệt may Việt Nam và doanh nghiệp FDI của Trung Quốc bị hạn chế quay lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết hoặc bị cách ly theo quy định đã ảnh hưởng đến nguồn lao động cấp cao cho các doanh nghiệp trong ngành.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên