Doanh nghiệp một nước EU đổ xô đến Ukraine làm ăn, Tổng thống Zelensky vén màn "nghịch lý"
Kinh doanh ở Ukraine giữa thời chiến là điều không tưởng đối với hầu hết doanh nghiệp Đức và các nơi khác. Nhưng một số nhìn thấy cơ hội và Chính phủ Đức đang hỗ trợ hoạt động kinh doanh của họ.
Theo hãng thông tấn DW (Đức), một điều có vẻ nghịch lý đang diễn ra tại Ukraine: Xung đột Nga - Ukraine đã bùng phát từ tháng 2/2022 và vẫn chưa có hồi kết, nhưng các doanh nghiệp Đức ngày càng quan tâm đến việc kinh doanh tại quốc gia Đông Âu này.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Đức dường như bị thu hút bởi triển vọng đạt được những thỏa thuận đáng kể vì thiệt hại do chiến tranh tại Ukraine là rất lớn và việc tái thiết sẽ tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ.
Chính phủ Ukraine ước tính nước này cần 750 tỷ USD vào năm 2032. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, hoạt động tái thiết của Ukraine cần số tiền lớn hơn nhiều, khoảng 1.000 tỷ USD.
Ukraine kêu gọi đầu tư sớm
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Đức - Ukraine được tổ chức mới đây ở Berlin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự theo hình thức trực tuyến và cam kết rằng, những ai đầu tư bây giờ sẽ đạt được "lợi nhuận tốt sau chiến tranh".
Lý do ông Zelensky đưa ra là các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Ukraine càng sớm và nhiều thì triển vọng phát triển kinh tế ngày càng tốt.
Sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine sụt giảm mạnh do chiến tranh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dự đoán tốc độ tăng trưởng của nước này là 2% vào năm 2023 và tăng tốc lên 3,2% trong năm tới.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết rằng, chính phủ của ông sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Đức sẵn sàng đầu tư vào Ukraine.
Ông nói với những người tham gia diễn đàn rằng: “Những người đầu tư vào Ukraine hôm nay đang đầu tư vào một quốc gia thành viên EU trong tương lai, nơi sẽ là một phần của cộng đồng pháp lý và thị trường nội bộ của chúng ta.”
Bảo lãnh của Chính phủ Đức
Theo DW, Chính phủ Đức sẵn sàng cung cấp bảo lãnh đầu tư và xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp. Ngay cả những thiệt hại do chiến tranh cũng sẽ được bảo hiểm. Khi chiến sự vẫn chưa kết thúc, Berlin đã cấp 14 khoản bảo lãnh đầu tư với tổng trị giá 280 triệu euro.
Christian Bruch - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp miền Đông nước Đức – cho biết, tổng cộng 30 đề xuất dự án hiện đang được đánh giá và 70 ý tưởng dự án khác đang được đưa ra bàn thảo. Ông nói với DW rằng, các giải pháp bảo hiểm cho vận tải qua Ukraine vẫn cần thiết.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, có khoảng 2.000 doanh nghiệp Đức làm ăn với người Ukraine và đến nay hầu hết vẫn không từ bỏ.
Thủ tướng Scholz ca ngợi các cơ hội kinh doanh “không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, chẳng hạn như hydro, mà còn trong ngành cung ứng, nông nghiệp, lĩnh vực công nghệ thông tin và các nguyên liệu thô quan trọng”.
Theo DW, một trong những doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của Chính phủ Đức là tập đoàn hóa chất Bayer chuyên sản xuất hạt giống ở Ukraine.
Oliver Gierlichs - Giám đốc điều hành của Bayer chi nhánh Ukraine - cho biết, quá trình tái thiết Ukraine "đã bắt đầu". Tập đoàn Đức đang có kế hoạch mở rộng công ty con với số tiền 60 triệu euro.
Ông nói với DW rằng: "Đây không phải là một quyết định chính trị, không phải một món quà dành cho Ukraine mà là một quyết định thuần túy kinh tế, vì chúng tôi nhìn thấy những cơ hội lớn trong nông nghiệp. Đối với xuất khẩu và cả ở địa phương vì Ukraine sẽ vẫn là vựa lúa mì của châu Âu".
Gierlich cho biết, Bayer hoạt động ở khu vực "nơi nguy cơ chiến tranh tương đối thấp".
Ông nói: “Tất nhiên, chúng tôi đã tính đến điều này. Không có rủi ro nào bằng 0, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, điều đó có thể kiểm soát được.”
Florian Otto - nhà phân tích hàng đầu tại công ty tư vấn toàn cầu Control Risks - cũng đồng ý như vậy.
Ông nói với DW rằng, những rủi ro ở Ukraine phải được “xem xét ở cấp độ khu vực”. Ở khu vực phía đông và đông nam Ukraine đang bị bao vây, có những "rủi ro cực độ" đòi hỏi một cách quản lý khác.
“Ở phần còn lại của đất nước… các doanh nghiệp tại Ukraine không chỉ hoạt động mà còn thể hiện mức độ phục hồi và khả năng thích ứng đáng kinh ngạc”, Otto nói.
Đầu tư đi kèm với thách thức
Tuy nhiên, theo DW, việc kinh doanh tại Ukraine có rất nhiều vấn đề. Ví dụ: các nhà sản xuất máy móc phải làm gì nếu công nghệ họ chuyển đến Ukraine không hoạt động bình thường hoặc cần sửa chữa? Sau đó, có cảnh báo đi lại tới Ukraine, gây ra rủi ro không được bảo hiểm cho các công ty muốn cử nhân viên đến nước này.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin có cách tiếp cận thực tế đối với những vấn đề phức tạp như vậy.
Kamyshin, người từng giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Công ty Đường sắt Quốc gia Ukraine, nổi tiếng với việc đảm bảo cho các đoàn tàu của nước này chạy xuyên suốt chiến tranh, coi họp trực tuyến là một giải pháp.
“Khi tôi còn làm việc trong ngành đường sắt, chúng tôi từng sửa chữa toàn bộ một đoàn tàu thông qua hình thức họp trực tuyến”, ông nói với DW và cho biết đoàn tàu đặc biệt này vẫn đang hoạt động mà không gặp vấn đề gì.
Ông lưu ý thêm, hỗ trợ kỹ thuật có thể được cung cấp thông qua internet và nói thêm rằng: “Chiến tranh và COVID đã dạy chúng tôi cách kiên cường.”
Nhịp sống thị trường