MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Mỹ lao đao khi chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt

14-09-2021 - 14:40 PM | Tài chính quốc tế

Tại Mỹ, tình trạng thiếu nguồn cung kim loại, nhựa, gỗ và thậm chí cả vỏ chai rượu hiện rất phổ biến.

Trước đây, việc mua các sản phẩm đầu vào cho một dây chuyền lắp ráp có thể thực hiện một cách dễ dàng bằng cách nhấp vào một nút “đặt hàng”. Người mua chỉ cần đợi vài ngày hoặc nhiều nhất là vài tuần để nhận được hàng. Nhưng điều này không dễ dàng như vậy nữa, nhất là khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy và tình trạng thiếu hụt nguồn cung xảy ra khắp thế giới vì đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp Mỹ lao đao khi chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở thành phố Pocomoke, Maryland, Mỹ ngày 1/3/2018. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Thiếu từ khung thép đến vỏ chai

Tại Mỹ, tình trạng thiếu nguồn cung kim loại, nhựa, gỗ và thậm chí cả vỏ chai rượu hiện rất phổ biến.

Người mua – thường là các doanh nghiệp phải chờ đợi bên bán giao những món hàng đã từng rất dồi dào, nhưng chỉ khi họ có thể đặt hàng thành công. Điều này đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Như với nhà sản xuất lều trại Diamond Brand, họ không thể giao hàng cho khách vì một số loại lều thiếu ống nhôm đủ tiêu chuẩn làm khung, trong khi những chiếc khác thiếu khóa kéo phù hợp.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đầu vào đang ảnh hưởng đến mọi sản phẩm, từ máy ủi đến rượu bourbon. Nhà sản xuất thiết bị hạng nặng Caterpillar Inc đã cảnh báo vào tháng Bảy rằng lợi nhuận của họ sẽ bị ảnh hưởng trong quý hiện hành, một phần do giá các linh kiện khó mua đều tăng. Công ty cho biết họ đang cố gắng tìm những nguồn cung phi truyền thống để đối phó với tình trạng thiếu hạt nhựa và chất bán dẫn.

Ông Lawson Whiting, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất rượu mạnh Brown-Forman Corp, cũng nói với các nhà đầu tư vào đầu tháng này rằng, tình trạng thiếu vật liệu đóng gói quan trọng, đặc biệt là thủy tinh tiếp tục là vấn đề gây đau đầu.

Những thách thức tiếp tục nảy sinh

Bên cạnh đó, những thách thức mới tiếp tục phát sinh. Mới đây nhất, sự gián đoạn do bão Ida đối với các nhà máy lọc dầu của Mỹ một lần nữa đe dọa nguồn cung nhựa và các vật liệu cơ bản khác đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Càng làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại là các tuyến đường vận tải bị tắc nghẽn. Với hàng loạt nhà sản xuất đổ xô tìm cách tăng nguồn cung cùng lúc, các container, tàu và xe tải cần thiết để vận chuyển hàng hóa thường ít có sẵn. Và khi có thì thường chi phí đã tăng vọt. Điều đó đã phá vỡ một số cơ chế thường giúp kiểm soát nguồn cung và giá cả.

Cùng với sự thiếu hụt nguồn cung là các đợt tăng giá khủng khiếp – những diễn biến này đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lạm phát kéo dài tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông David Reilly, chủ tịch công ty sản xuất nhựa United Solutions, cho biết giá nhựa đã tăng vọt - với một số loại đã tăng tới 100% trong năm qua - là thách thức lớn nhất của công ty.

Thông thường, ông sẽ yêu cầu người mua của mình lùng sục các thị trường nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, để tìm những loại nhựa rẻ hơn. Tình hình hiện tại không thể sử dụng cách thức này. Bởi vì giá cước vận chuyển đã tăng quá nhiều, khiến mọi lợi thế về giá cả đều bị xóa sạch.

Để giải quyết tình hình trước mắt, một số ngành đang gấp rút xây dựng các nhà máy mới, bao gồm cả các nhà sản xuất chất bán dẫn dưới áp lực nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại chip cần thiết cho sản xuất ô tô và thiết bị điện tử.

Nhưng không phải tất cả các nhà sản xuất đều mong muốn xây dựng các nhà máy mới. Ví dụ, ngành xe đạp tập trung nhiều ở châu Á và các nhà sản xuất ở đó lo lắng rằng nhu cầu tăng vọt hiện nay chỉ là tạm thời. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp chấp nhận tăng thời gian sản xuất, nhưng rất ngần ngại khi đầu tư thêm vào các cơ sở hạ tầng mới.

Sức ép lên chính sách của Fed

Ngày càng xuất hiện nhiều căng thẳng giữa các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về cách đánh giá tác động lâu dài của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đối với giá cả.

Một số quan chức đã thừa nhận rằng đà phục hồi của ngành chế tạo Mỹ vẫn bị hạn chế bởi các vấn đề nguồn cung và chúng không được giải quyết sớm như kỳ vọng.

Dù vậy, một số nhà hoạch định chính sách của Fed tin tưởng rằng áp lực giá sẽ giảm xuống sau khi một số gián đoạn về nguồn cung được giải quyết. Một số khác lại tỏ ra thận trọng hơn. Cuộc tranh luận này diễn biến ra sao có thể ảnh hưởng đến kế hoạch giảm chương trình mua tài sản của Fed, cũng như ngân hàng trung ương này sẽ sớm nâng lãi suất từ mức hiện tại gần bằng 0 như thế nào.

Theo H.Thủy

Báo tin tức

Trở lên trên