MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá ngoạn mục trong quý 2 bất chấp dịch Covid-19

Doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá ngoạn mục trong quý 2 bất chấp dịch Covid-19

Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp ngành gỗ ghi nhận mức lợi nhuận thu về trong quý 2 vừa qua đồng loạt tăng trưởng vượt trội 2 chữ số, cá biệt có những doanh nghiệp báo lãi gấp hàng chục lần cùng kỳ.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 9,6 tỷ USD, tương ứng tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 64% so với 7 tháng đầu năm 2020. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là mức tăng trưởng vượt trội trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải ứng phó với những diễn biến phức tạp của COVID-19. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện tại, mục tiêu 14 đến 14,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mà Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ trong năm 2021 là điều hoàn toàn khả quan.

Làn sóng dịch bệnh lần 4 bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề. Tuy vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ trong quý 2 và nửa đầu năm 2021 lại đón nhận thời cơ thuận lợi khi cầu nhập khẩu tại các quốc gia phát triển bắt đầu phục hồi trở lại, đặc biệt là các sản xuất nội thất, trang trí nhà cửa.

Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp ngành gỗ ghi nhận mức lợi nhuận thu về trong quý 2 vừa qua đồng loạt tăng trưởng vượt trội 2 chữ số, cá biệt có những doanh nghiệp báo lãi gấp hàng chục lần cùng kỳ.

Doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá ngoạn mục trong quý 2 bất chấp dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Điểm qua các doanh nghiệp có mức lãi cao nhất trong ngành có thể kể đến Gỗ An Cường (ACG, 137 tỷ đồng), Gỗ Phú Tài (PTB, 121 tỷ đồng), Vinafor (VIF, 75 tỷ đồng)…

Gỗ An Cường (ACG) là doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực chế biến gỗ, hiện nắm hơn 55% thị phần nguyên vật liệu trang trí nội thất và vật liệu trang trí phân khúc trung – cao cấp tại Việt Nam. Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, Gỗ An Cường báo lãi ròng quý 2 gần 137 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế nửa đầu năm, LNST vọt tăng hơn 43% lên mức 238 tỷ, hoàn thành 43% kế hoạch cả năm.

Cổ phiếu ACG cũng vừa chào sàn UPCoM trong ngày 4/8 với mức giá tham chiếu phiên đầu tiên lên tới 90.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá doanh nghiệp lên tới 7.884 tỷ đồng. Sau phiên giao dịch đầu tiên tăng 39,9% lên mức 125.900 đồng/cp, thị giá ACG 4 phiên trở lại đây đang trong chuỗi giảm điểm, hiện xuống mức 110.300 đồng/cp chốt phiên 10/8.

Doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá ngoạn mục trong quý 2 bất chấp dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Tương tự, Gỗ Phú Tài trong nửa đầu 2021 cũng ghi nhận doanh thu tăng 19%, trong đó ngành gỗ mang lại 1.817 tỷ đồng, đóng góp 59% tổng doanh thu và tăng 40% so với cùng kỳ. Kết quả, LNTT đạt gần 287 tỷ đồng, tăng 55% ; trong đó ngành gỗ mang về hơn 162 tỷ đồng tiền lãi, tăng 95% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá ngoạn mục trong quý 2 bất chấp dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Tại Gỗ Thuận An (GTA), doanh thu thuần quý 2 vọt tăng tới 78% so với cùng kỳ lên mức 166 tỷ đồng, đưa tổng lợi nhuận ròng thu về tăng lên gần 6 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020. Lũy kế nửa đầu năm 2021, GTA thu về gần 10,3 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 61% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt nam – CTCP (Vinafor, VIF) trong quý 2 vừa qua ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu tăng 31% lên 570 tỷ đồng. Trong cơ cấu, mảng bán gỗ nguyên liệu tăng hơn 36% lên trên 239 tỷ đồng – chiếm tỷ trọng nhiều nhất, ngoài ra doanh thu bán gỗ thành phẩm đạt hơn 153 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%. Cộng thêm khoản lãi lớn từ các công ty liên kết (trong đó có liên doanh với Yamaha Việt Nam), Vinafor báo lãi ròng gần 75 tỷ đồng, gấp đến 10 lần cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá ngoạn mục trong quý 2 bất chấp dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Báo cáo của CTCK Agribank (Agriseco) mới đây đã đánh giá, ngành xuất khẩu gỗ nửa đầu năm 2021 đã tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ nhu cầu quốc tế hồi phục. Nhóm gỗ cũng được đánh giá là ngành lấy lại được mức tăng trưởng ổn định.

Doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá ngoạn mục trong quý 2 bất chấp dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Agriseco Research dự báo, sức tăng này sẽ tiếp tục tích cực trong phần còn lại của năm khi nhu cầu vẫn ở mức cao. Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ – nước nhập khẩu lớn nhất tại Việt Nam – dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ gói vay lãi suất thấp tại Mỹ giúp thúc đẩy nhu cầu mua sắm, trang trí nhà cửa. Và Việt Nam hiện sẽ là lựa chọn hàng đầu cho sự thay thế đồ nội thất Trung Quốc với vị trí đứng thứ 2 trên thế giới về thị phần xuất khẩu gỗ nội thất. Do đó, tiềm năng từ các mặt hàng gỗ nội thất có thể xuất phát từ nhu cầu sửa nhà, xây nhà tại Mỹ tăng mạnh sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Ngoài ra, hiệp định EVFTA sẽ giúp ngành gỗ gia tăng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại với các đối thủ cạnh tranh tại EU. Một số doanh nghiệp có mảng kinh doanh gỗ được Agriseco Research đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh và có cơ hội trong nửa cuối năm 2021 như GDT, PTB.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên