Doanh nghiệp ngành nhựa “đón đầu” hội nhập?
Mở rộng nhà máy, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm xây dựng ngành nhựa kỹ thuật cao… đang là một trong những cách mà doanh nghiệp ngành nhựa chuẩn bị nhằm đón đầu hội nhập.
Có thể nói, kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt hiện nay đó chính là 3 hiệp định thương mại bao gồm: Thương mại tự do Việt – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Riêng đối với TPP, các chuyên gia cho rằng, các DN (doanh nghiệp) Việt Nam cần tận dụng được cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP nhất là với thị trường Nhật Bản và Mỹ. Mặc dù đây là 2 thị trường có tiêu chí sản xuất, tiêu chí chất lượng rất khắt khe nhưng nếu có thể đáp ứng được tiêu chí của các nước này thì DN Việt hoàn toàn có thể tự tin đứng vững trên tất cả các thị trường.
Là một trong những DN lớn nhất trong lĩnh vực bao bì nhựa tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (An Phát Plastic - AAA) xác định, ngành bao bì xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lợi thế do chi phí nhân công rẻ và lại thuộc TPP nên có nhiều lợi thế khi xuất vào Mỹ và Nhật. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết là cơ hội lớn để vào sâu hơn các thị trường Mỹ và Nhật, đây cũng là định hướng của công ty từ trước đến nay.
Vì vậy, nhằm đón đầu TPP, An Phát đã có 4 nhà máy sản xuất bao bì đang vận hành (nhà máy số 1, số 2, số 3 và số 5) với sản lượng hơn 4.000 tấn/tháng và hai nhà máy (số 6 và số 7) đang được xây dựng ở những công đoạn cuối trong đó Nhà máy số 6 đã hoạt động giai đoạn 1, giai đoạn 2 của Nhà máy 6 và Nhà máy 7 dự kiến hoạt động trong tháng 10 năm nay.
“Chúng tôi quyết định xây dựng nhà máy số 6 và số 7 là vì quyết tâm nắm bắt cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP – cơ hội để khách hàng đang mua hàng của Trung Quốc, Thái Lan chuyển sang mua của Việt Nam”, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa và Môi trường Xanh An Phát chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Dương khẳng định khi đi vào hoạt động, hai nhà máy sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh về sản lượng và chất lượng đối với các nhà sản xuất khác, giúp công ty tăng cường thêm vị thế và trở thành công ty sản xuất bao bì lớn nhất Đông Nam Á.
Với những lợi thế như vậy, cộng với việc hiện An Phát là một trong những nhà sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á, nên ông Dương tự tin khẳng định, việc các DN nước ngoài quan tâm đến các DN sản xuất bao bì xuất khẩu của Việt Nam như An Phát thì công ty không ngại việc thâu tóm của DN ngoại, mà cho đây là cơ hội hợp tác phát triển.
“Muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, tự DN phải thích ứng được. Còn nếu không, nguy cơ bị thâu tóm hoặc đào thải là không tránh khỏi”, ông Dương nói. Bằng chứng là hiện tại An Phát đã xây dựng được hệ thống quản lý sản xuất và chất lượng tương đối ưu Việt nên chi phí sản xuất rẻ và tỷ lệ hàng hỏng thấp.
Đặc biệt, trước việc ngành nhựa đang phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài - điểm bất lợi khi Việt Nam gia nhập TPP. Nhựa An Phát đã chủ động nguồn cung nguyên liệu cho DN mình. Hiện có khá nhiều loại phụ gia trong quá trình sản xuất, trong đó CaCO3 là phụ gia chiếm tỷ trọng cao nhưng công ty đã chủ động sản xuất hoàn toàn. Việc sử dụng CaCO3 làm chất độn với một tỷ lệ nhất định sẽ giúp sản phẩm trở nên tốt hơn.
Ngoài CaCO3, Nhựa An Phát còn sử dụng một số phụ gia khác nhưng tỷ trọng không lớn nên công ty thực hiện mua từ bên ngoài.
Bên cạnh chinh phục thị trường xuất khẩu, DN cũng không quên thị trường nội địa. Theo đại diện DN này, trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư chiến lược, công ty đánh giá cao và thấy cơ hội rất lớn tại thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường miền bắc về bao bì phức hợp cho các sản phẩm thực phẩm như mỳ tôm, bánh kẹo và bao bì cho sản phẩm may mặc. Vì vậy, DN đang đàm phán mở liên doanh để sản xuất sản phẩm đó.
Điều này cho thấy, để chuẩn bị cho hội nhập, một số DN ngành như Nhựa An Phát đã chuẩn bị khá kỹ đón đầu cơ hội.
Những bước đi của Nhựa An Phát đang phù hợp với nhận định của nhiều chuyên gia. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa (VPA) cho rằng ngành nhựa Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định từ TPP vì chỉ yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản xuất ở Việt Nam chứ không yêu cầu chứng minh nguyên liệu đó được sản xuất tại Việt Nam.
Nhưng các DN Việt nên đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong tương lai, điển hình là ngành nhựa kỹ thuật cao. Điều này cần sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ thiết bị máy móc.