MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ngành nước đang rầm rộ kéo nhau lên sàn

01-11-2017 - 18:31 PM | Doanh nghiệp

Hàng loạt doanh nghiệp ngành nước cùng đưa cổ phiếu lên sàn chỉ trong mấy tháng gần đây.

Trong ngày 14/11 tới đây Sở GDCK Hà Nội sẽ đón nhận 2 tân binh ngành nước lên sàn là CTCP Cấp nước Bến Thành (BTW) và CTCP Cấp nước Nhà Bè (NBW) với tổng cộng hơn 20 triệu cổ phiếu mới niêm yết.

Đây cũng sẽ là doanh nghiệp ngành nước thứ 3 thông báo đưa cổ phiếu lên sàn trong tháng 11 này. Trước đó gần 32 triệu cổ phiếu HDW của CTCP Nước sạch Hải Dương đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 3/11/2017.

Cấp nước bến Thành

Cấp nước Bến Thành là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 2/2007 với vốn điều lệ ban đầu 93,6 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm cổ phần hóa, công ty chưa hề tiến hành tăng vốn điều lệ.

Tính đến 15/5/2017 Cấp nước Bến Thành có 3 cổ đông lớn nắm giữ 82,52% vốn điều lệ, trong đó Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) sở hữu 53,15% vốn.

Doanh thu cấp nước và dịch vụ của công ty năm 2016 đạt gần 435 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước đó. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu đạt gần 218 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2017 đạt gần 7,2 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.

Cấp nước Nhà Bè

Cũng trong ngày 14/11, toàn bộ 10,9 triệu cổ phiếu NBW của Cấp nước Nhà Bè sẽ niêm yết và giao dịch trên HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 16.000 đồng/cổ phiếu.

Thực ra, Cấp nước Nhà Bè đã đăng ký giao dịch trên UpCOM từ năm 2010 và sẽ hủy đăng ký giao dịch từ 9/11/2017. Ngày giao dịch cuối cùng trên UpCOM là 8/11/2017. Hiện cổ phiếu NBW vừa giảm sàn phiên ngày 1/11/2017, về giá 14.500 đồng/cổ phiếu.

Nước sạch Hải Dương

Trước đó, Sở GDCK Hà Nội đã chấp thuận cho CTCP Kinh doanh nước sạch Hải Dương được đưa toàn bộ hơn 31,88 triệu cổ phiếu HDW lên giao dịch trên UpCOM từ 3/11/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.200 đồng/cổ phiếu. Trong số này, còn hơn 8,1 triệu cổ phiếu ESOP và cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược đang thuộc diện bị hạn chế giao dịch.

Nước sạch Hải Dương tiền thân là Nhà máy nước Hải Dương, được xây dựng từ năm 1936. Đến cuối tháng 1/2016 công ty đã tiến hành IPO đưa gần 2,08 triệu cổ phần ra bán đấu giá lần đầu ra công chúng. Toàn bộ số cổ phần đã được bán hết với giá đấu thành công bình quân 10.475 đồng/cổ phần. Đến tháng 3/2017 công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu hơn 318,8 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.

Nước sạch Hải Dương có 2 cổ đông lớn nắm giữ 77,23% vốn điều lệ, trong đó UBND tỉnh Hải Dương sở hữu 65% vốn. Một cổ đông lớn khác là CTCP Cấp nước Phúc Hưng Hải Dương sở hữu 12,23% vốn.

Doanh thu năm 2016 đạt gần 322 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Năm 2017 là năm công ty tiến hành cổ phần hóa. Kết quả kinh doanh cũng được xác định theo 2 giai đoạn trước cổ phần hóa và sau đó. Giai đoạn sau CPH từ 1/4 đến 30/6, doanh thu Nước sạch Hải Dương đạt trên 95 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 5,1 tỷ đồng.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp ngành nước đã lần lượt đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Cụ thể, Nước sạch Bắc Giang (BGW) đưa hơn 18 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 31/10/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.100 đồng/cổ phiếu. Còn Cấp nước Thanh Hóa (THN) đưa gần 33 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 5/10 với giá chào sàn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, Xử lý nước thải Bắc Ninh (TBN) Cấp nước Nghệ AN (NAW), Viwaco (VAV)… cũng mới lên sàn chưa lâu. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng liên quan đến ngành nước như các doanh nghiệp về môi trường, đô thị...

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên