Doanh nghiệp ngành sợi đã giảm dần thua lỗ
Thị trường khởi sắc cùng sự linh hoạt trong thời điểm quyết định mua bán nguyên liệu bông giúp doanh nghiệp ngành sợi giảm lỗ.
- 14-03-2024Chủ tịch Vinatex: Tỷ giá USD/VND chỉ giảm 5% trong 2 năm qua là ít, khó cho xuất khẩu phục hồi, Việt Nam có thể mất ngành sợi nếu không được hỗ trợ
- 05-01-2024Doanh nghiệp xây dựng phải vay vốn từ doanh nghiệp vải sợi
- 09-12-2023Chaebol Hàn Quốc muốn đặt tương lai trăm năm tiếp theo ở Việt Nam, dự kiến đầu tư nhà máy sản xuất sợi sinh học 720 triệu USD
Đánh giá về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong quý I/2024 vừa qua, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, mặc dù những khó khăn, thách thức vẫn đang tiếp diễn từ đầu năm tới nay, tuy nhiên thị trường đã có những chuyển tích cực. Thị trường dệt may vẫn có dư địa phát triển cho các doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, năng suất, chất lượng vượt trội, liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu mới của kinh tế số, kinh tế xanh với bước đi phù hợp.
Quý đầu tiên của năm 2024, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thành viên Tập đoàn có nhiều cải thiện so với cùng kỳ, với ngành may, tập trung tại các doanh nghiệp lớn đã có sự cải thiện trên 20% hiệu quả. "Đặc biệt, ngành sợi đã giảm thua lỗ so với cùng kỳ, hiệu quả tuy chưa chắc chắn nhưng phù hợp với diễn biến của thị trường", ông Trường thông tin.
Nhận định này không chỉ phù hợp với doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam mà còn phù hợp cả với “ông lớn” Sợi Thế Kỷ. Mới đây, Công ty CP Sợi Thế Kỷ đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 265,7 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Giải trình về kết quả kinh doanh trên, lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho hay, trong quý I/2024, mặc dù doanh số thấp hơn so với cùng kỳ 0,6% và giá bán giảm 7,1% so với cùng kỳ nhưng do giá vốn giảm 13% nên lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ. Mặt khác, do thu nhập tài chính kỳ trước khá cao trong khi chênh lệch tỷ giá ghi vào chi phí tài chính kỳ này tăng nhiều hơn so với cùng kỳ làm cho lãi trước và sau thuế giảm.
Năm 2024, lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết, doanh số bán hàng quý II/2024 dự kiến sẽ tốt hơn (khoảng 9.000 tấn). Đơn hàng của một số thương hiệu trong quý II có thể gấp đôi quý I. Hiện nay, doanh nghiệp đang làm việc với các thương hiệu và khách hàng để chốt đơn hàng cho mùa xuân hè 2025 - giao hàng 6 tháng cuối năm 2024. Doanh số bán quý III và quý IV/2024 có thể ở mức tương ứng 10.500 tấn và 12.000 tấn.
Phân tích về diễn biến thị trường bông và sợi thời gian qua, ông Trần Hữu Phong – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng nhận định, giá bông khó có thể xuống dưới 90 điểm phần trăm. Bởi vì, với các thị trường sản xuất bông lớn thì đang chuẩn bị kết thúc vụ mùa cũ và bước sang vụ mùa mới, cùng với đó là áp lực cho bông tháng 5 và tháng 7 còn tương đối lớn, vì vậy mà giá bông sẽ khó có cơ hội giảm sâu trong thời gian tới.
Với các doanh nghiệp ngành sợi, nếu như thật sự có nhu cầu thì giá bông ở ngưỡng 90 – 91 cent/pound là có thể mua được để phục vụ cho sản xuất. Nếu như chờ đợi giá bông tiếp tục giảm, có thể mất đi những cơ hội khi giá bông hiện tại có thể nhập được cho sản xuất. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần có những tính toán khi nhập bông giao vào tháng 8,9,10 nhằm chia sẻ rủi ro cho các đợt giao hàng bông vào tháng 12 nếu như giá bông cuối năm tiếp tục biến động.
Cùng với giá bán bông ít có khả năng giảm, giá bán sợi hiện nay đang đạt “đỉnh” so với năm 2023 và đang có chiều hướng quay đầu, với các đơn vị đã mua được bông giá 2,05 – 2,15 USD/kg thì đây là cơ hội để ngành sợi có lợi nhuận và cần phải chớp lấy cơ hội khi thị trường sợi có nhiều cải thiện so với cùng kỳ.
Khi thị trường đi xuống, chắc chắn các doanh nghiệp ngành sợi sẽ mất đi cơ hội sau thời gian dài thị trường trầm lắng và giá sợi ở mức thấp kỷ lục như năm 2023. Liên quan đến các đơn hàng sợi trong quý 3, khả năng giá bông sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng trên 2 USD/kg cho tới ngày 21/6/2024 trong khi giá sợi tiếp tục trên đà giảm, đây chắc chắn sẽ là những rủi ro đối với ngành sợi trong 6 tháng cuối năm.
Với Vinatex Phú Hưng hiện đang xuất khẩu khoảng 50% vào thị trường Trung Quốc, nhưng thị trường này đang có xu hướng gia tăng các sản phẩm sợi recycle với nhiều loại xơ đa dạng. Do đó việc bố trí sản xuất với nhiều chủng loại xơ, thời gian giao hàng nhanh (thời gian khoảng 1 tháng cho 200 – 300 tấn sợi) cũng đặt ra rất nhiều yêu cầu trong sản xuất. Với thị trường Hàn Quốc, Philippines mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng đơn giá tương đối thấp, thậm chí thấp hơn cả thị trường Trung Quốc.
Khách hàng cũng đặt ra những nhiều yêu cầu về xuất xứ nguồn gốc bông, ví dụ 100% sử dụng bông Úc, 100% sử dụng bông Mỹ… Trường hợp phát hiện ra sai nguồn gốc có thể bị phạt rất nặng trong khi giá bông tại 2 thị trường này tương đối cao và có ít hiệu quả so với bông của các khu vực khác.
Như vậy có thể thấy, dù doanh nghiệp sợi đã bớt lỗ, tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn còn đang bủa vây doanh nghiệp. Ông Trường từng chia sẻ, ngành sợi đang duy trì việc làm cho 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ USD/năm, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện.
Một điểm đáng lo ngại nữa, từ ngày 1/7, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng ở mức 6%. việc tiền lương tối thiểu vùng tăng thêm và khả năng tăng tiền điện trong năm 2024 sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc quản trị chi phí, duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đón chờ đơn hàng mới.
Hơn nữa, khó khăn hiện nay là do chu kỳ kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp sợi thế giới đều bị như vậy nên cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024. Do đó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị, các ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để doanh nghiệp sợi có thể duy trì được sản xuất.
Cùng đó, trong thời điểm khó khăn, có chính sách về tiền lương và tiền điện phù hợp với sức khỏe doanh nghiệp.
Báo Công Thương