MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ngành thép “hụt hơi”

20-10-2022 - 08:20 AM | Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp ngành thép không những đang đối diện với những khó khăn ở cả thị trường trong nước mà còn ở thị trường thế giới, khiến kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2022, Công ty CP Thép Vicasa – VNsteel (HoSE: VCA) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 477 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng. Trong khi đó, giá vốn bán hàng cao, lên đến hơn 487 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp âm gần 10 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành thép “hụt hơi” - Ảnh 1.

Công ty CP Thép Vicasa – VNsteel có quý lỗ kỷ lục từ khi lên sàn chứng khoán.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của VCA chỉ đạt 90 triệu đồng, giảm gần 54% so với cùng kỳ. Trong khi, chi phí bán hàng tăng lên 5 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên 8% khiến hoạt động kinh doanh thuần của doanh nghiệp lỗ hơn 23 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ kỷ lục của doanh nghiệp ngành thép này kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân là do ảnh hưởng chiến tranh Nga – Ukaraine, chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu ảnh hưởng đến ngành thép, xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, VCA ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.834 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, ngược với cùng kỳ doanh nghiệp lãi hơn 42 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của VCA đạt 531 tỷ đồng, giảm 8% so với thời điểm đầu năm, trong đó, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp là hàng tồn kho với hơn 380 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng nhẹ 4% lên 353 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm sâu 25% còn 178 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối chuyển từ dương 53 tỷ đồng hồi đầu năm sang âm hơn 9 tỷ đồng.

Tương tự với Công ty CP Thép Thủ Đức (HoSE: TDS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 406 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao, lên hơn 427 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp về bán hàng của công ty âm hơn 20,6 tỷ đồng.

Hàng loạt chi phí trong kỳ của TDS đều tăng cao như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 280% và 68% so với cùng kỳ, khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Thép Thủ Đức ghi nhận lỗ hơn 29 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành thép “hụt hơi” - Ảnh 2.

Thép Thủ Đức cũng vừa có một quý kinh doanh thua lỗ.

Nhờ khoản thu nhập khác tăng đột biến lên hơn 6 tỷ đồng, Thép Thủ Đức chỉ còn lỗ trước thuế hơn 23 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, tương đương với mức lỗ lớn gấp 34 lần cùng kỳ.

Theo giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, các cuộc chiến tranh trên thế giới dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động bất thường. Giá bán không đủ bù đắp giá vốn đã làm lợi nhuận gộp trong quý 3 của công ty bị lỗ. Ngoài ra chi phí lãi vay cũng là gánh nặng cho công ty khi hàng hóa tiêu thụ chậm và ngân hàng siết room tín dụng cũng như lãi suất tăng cao.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp chỉ đạt 658 triệu đồng, giảm 57% so với cùng kỳ, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm mạnh chỉ còn 152 triệu đồng, trong khi năm ngoái là 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh lên 6 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn chi phí tài chính là lãi tiền vay 4,9 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá 1 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.518 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 15,8 tỷ đồng, trái ngược với cùng kỳ lãi 46 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Thép Thủ Đức là gần 492 tỷ đồng, giảm 13% so với thời điểm đầu năm. Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp là hàng tồn kho với gần 428 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 215 tỷ đồng, giảm 20% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu là hơn 276 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm.

Tương tự, hàng loạt ông lớn ngành thép cũng không "dễ thở" trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay. HPG (Hòa Phát), tập đoàn có thị phần thép lớn nhất, ghi nhận doanh thu quý II/2022 đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 4.023 tỷ đồng, giảm 59% so với quý I/2021, đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần đây. Cổ phiếu HPG cũng khiến nhiều nhà đầu tư "nhuốm đau thương" khi ôm lỗ nặng mặc dù Chủ tịch HPG Trần Đình Long cũng đã có cảnh báo thẳng thắn là ngành thép đang gặp bất lợi.

Thép Nam Kim (NKG) công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu 7.196 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận giảm 76% từ mức đỉnh 201 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. "Ngôi sao mới nổi" trong thoáng chốc của ngành tôn này cũng đang đứng trước bài toán giá vốn tăng cao...

Theo Công ty Chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBSC), trước việc thị trường bất động sản trong nước đang chững lại do các ngân hàng siết chặt tín dụng cùng với tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, ngành Thép Việt Nam trong thời gian vừa qua gặp không ít khó khăn, thách thức.

Hàng tồn kho cao, nhu cầu thép xây dựng thấp buộc doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, thậm chí có giai đoạn phải tạm dừng sản xuất. Việc chủ động đẩy nhanh bán hàng tồn kho trong khi nhu cầu giảm đã khiến giá thép thành phẩm nhiều chủng loại giảm nhanh ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.

Mặt khác, SBSC cho rằng, ngành thép trong nước cũng đang gián tiếp chịu tác động từ cuộc khủng hoảng ngành thép Trung Quốc cũng như những biến động khó lường từ chiến sự Nga – Ukraine càng khiến tình hình thị trường thép thế giới biến động khó lường, giá nguyên vật liệu tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Bên cạnh đó, lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới cũng là yếu tố rủi ro mà ngành thép đang phải đối mặt. Việc lạm phát không ngừng leo thang khiến người tiêu dùng co lại, trong đó xây dựng là một trong những khoản được cắt giảm đầu tiên bởi không phải là nhu cầu thiết yếu.

“Điều này tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu ngành thép nói chung. Đồng thời, lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép khi phần lớn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu”, SBSC đánh giá.


Theo Đình Đại

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên