MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Nhà nước: Bức tranh lỗ, lãi xám màu

20-10-2022 - 08:10 AM | Doanh nghiệp

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021. Theo báo cáo, tổng tài sản doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là gần 3,65 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế tăng 25% so với 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp (DN), tập đoàn lãi lớn, vẫn còn những doanh nghiệp lỗ nặng.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty lãi lớn

Doanh nghiệp Nhà nước: Bức tranh lỗ, lãi xám màu - Ảnh 1.

năm 2021, vẫn có 48 DNNN thua lỗ, trong đó Tổng Công ty Đường sắt lỗ 1.976 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Mạnh thắng

Dù chỉ chiếm chưa tới 1% trong tổng số DN đang hoạt động nhưng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang nắm giữ một phần lớn nguồn lực của nền kinh tế. Năm 2021, tổng tài sản DNNN tăng 1%, lãi trước thuế tăng 25%.

Một trong những DNNN quan trọng của nền kinh tế là tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con. Theo thống kê, 75 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do Nhà nước giữ 100% vốn có tổng tài sản hơn 2,73 triệu tỷ đồng. Lãi trước thuế năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty tăng 33% so với 2020, đạt 156.531 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty có lãi trước thuế lớn trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu tập trung vào các đơn vị có quy mô lớn, như: Tập đoàn Công nghệ Viễn thông quân đội (Viettel) 36.908 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 51.700 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 17.991 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 6.430 tỷ đồng...

Các công ty mẹ của tập đoàn, Tổng công ty quy mô lớn hầu hết đều có lợi nhuận trước thuế cao. Tiêu biểu như Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc lợi nhuận trước thuế tăng 7%. Công ty mẹ - EVN lãi trước thuế 2021 tới 5.875 tỷ đồng, tăng 267%; công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi 314 tỷ đồng, tăng 156%...

Theo Chính phủ, việc thực hiện phương án sắp xếp, cơ cấu lại DNNN đã thu hẹp số lượng DN. DN 100% vốn nhà nước đang nắm giữ chỉ chiếm 0,08% tổng số DN đang hoạt động trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trong nền kinh tế). Quy mô tài sản bình quân của DNNN ở mức 4.500 tỷ đồng/DN.

“DNNN là đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất. Nhà máy điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước, như EVN, PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam chiếm thị phần chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện. Viettel, VNPT và Mobifone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Doanh nghiệp Nhà nước: Bức tranh lỗ, lãi xám màu - Ảnh 2.

23 DN lỗ 13,7 nghìn tỷ

Bên cạnh kết quả tươi sáng, vẫn còn một số DNNN rơi vào tình trạng giảm lãi sâu. Điển hình như như Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam và Tổng công ty vận tải Hà Nội giảm lãi tới 90%. Hay Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) giảm 52% lãi so với 2020.

Đặc biệt, năm 2021 vẫn có tới 48 DNNN thua lỗ với tổng số lỗ hơn 15.700 tỷ đồng. Thậm chí, có tới 138 DN lỗ lũy kế với tổng lỗ hơn 50.000 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị lỗ nhiều nhất như: Tập đoàn Hoá chất lỗ 3.038 tỷ đồng; Tổng Công ty Đường sắt lỗ 1.976 tỷ đồng; Tổng Công ty Cà phê 857 tỷ đồng...Với 197 DN Nhà nước giữ trên 50% vốn, theo Chính phủ, có 23 đơn vị bị lỗ trong năm 2021, với tổng lỗ phát sinh là 13.757 tỷ đồng…

Nhiều DN chuyển đổi hoạt động kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, như Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài truyền hình Việt Nam) âm vốn chủ 3.551 tỷ đồng; Công ty Cổ phần bóng đá Xuân Thiện Nam Định âm vốn 17 tỷ đồng, tăng 127% so với 2020...

Cùng với đó, một trong những “gam màu xám” trong bức tranh hoạt động DNNN năm 2021 là việc nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài lỗ lớn. Đến hết năm 2021, có 30 DNNN, DN có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài vào 137 dự án. Tổng số vốn thực hiện lũy kế tính đến cuối năm 2021 là trên 6.615 triệu USD, bằng 55% số vốn đăng ký. Tổng số lỗ phát sinh là 335,5 triệu USD, tăng 42% so với số lỗ năm 2020.

“Hiệu quả hoạt động DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án khai thác khoáng sản; dự án đầu tư tại khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường. Một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả. DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn. Còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỉ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại” - Chính phủ nêu rõ.

Trước kết quả này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp xử lý DNNN thua lỗ như tái cơ cấu. Đặc biệt, để DNNN hoạt động hiệu quả cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

“Để cổ phần hóa DNNN hiệu quả cần gắn trách nhiệm của từng cá nhân, người đứng đầu DN và cơ quan chủ quản. Chúng ta phải mạnh tay hơn, có thái độ quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, làm chậm quá trình cổ phần hóa. Từ đó, hạn chế dần tình trạng DNNN nắm giữ nguồn lực nhà nước rồi thua lỗ, gây thất thoát, lãng phí”, ông Doanh kiến nghị.

Sau khi khái quát bức tranh hoạt động của DNNN, Chính phủ đưa ra một số mục tiêu cho hoạt động của DNNN đến hết năm 2025. Tiêu biểu như: có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD. Mục tiêu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên