MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả: Cấp thiết củng cố và cơ cấu lại

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả: Cấp thiết củng cố và cơ cấu lại

Dù nắm giữ phần lớn tài sản của khối doanh nghiệp cả nước, nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước lại rơi vào thua lỗ, làm mất dần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

Hiện nay, quy trình đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn quá phức tạp, nhiều quy định thậm chí còn chồng chéo. Đây là lý do lâu nay vẫn được nhiều bên đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ triển khai, đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư. Tuyến đường dù chỉ dài 57 km, nhưng sau 6 năm khởi công vẫn dang dở do thiếu vốn.

"Năm 2016, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 và 25, trong đó nêu không chuyển vốn vay lại thành vốn cấp phát. Đây chính là vướng mắc, khó khăn lớn nhất mà công ty phải đối mặt. Vì đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ được nên việc bố trí nguồn vốn để đầu tư tiếp các dự án, đặc biệt như dự án cao tốc Bến Lức - Long thành đang phải dừng lại", ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, chia sẻ.

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả: Cấp thiết củng cố và cơ cấu lại - Ảnh 1.

Hiện cả nước có khoảng 600 doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh minh họa: PLO)

Theo các nhà phân tích, hiện hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ, đóng góp của khu vực doanh nghiệp này vào thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần từ 15,67% năm 2015, xuống còn khoảng 10,64% năm 2019. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp, tốc độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Nói cách khác, doanh nghiệp nhà nước cần sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra được giá trị sản phẩm đầu ra.

Hiện cả nước có khoảng 600 doanh nghiệp nhà nước. Trong đó khoảng 67% là các doanh nghiệp hoàn toàn vốn nhà nước, khoảng 30% là các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên một nửa số vốn. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu theo mô hình mẹ - con, mà trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, tổng công ty; hiện diện trong 6 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế gồm: nông nghiệp, năng lượng, tài chính - ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp chế biến chế tạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng doanh nghiệp nhà nước thường sẽ hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc lĩnh vực vốn thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng). Tuy nhiên phía doanh nghiệp cũng cho rằng không nên đóng khung, bó buộc. Nếu mục tiêu hoạt động là mang lại lợi nhuận thì đáng lẽ doanh nghiệp nhà nước phải hoàn toàn chủ động trong kinh doanh, được kinh doanh những ngành, nghề pháp luật không cấm, miễn là bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao, thay vì hiện nay doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao và bị ràng buộc hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định cho nên khó mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới có nhiều tiềm năng.

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả: Cấp thiết củng cố và cơ cấu lại - Ảnh 2.

Theo các nhà phân tích, hiện hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Trong xây dựng Đề án Phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng tới giảm bớt những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước không cần tham gia; đồng thời tập trung vào các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các tập đoàn kinh tế đa sở hữu với những cơ chế, chính sách riêng để phát triển trở thành doanh nghiệp đầu đàn, thực hiện vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho nền kinh tế, trong đó cũng xem xét đổi mới đồng bộ cơ chế tuyển dụng và tiền lương cho người lao động.

Theo Dự thảo Đề án "Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 doanh nghiệp nhà nước đã được đề xuất là những con sếu đầu đàn, giữ vai trò dẫn dắt mở đường cho nền kinh tế. Đây là những doanh nghiệp có tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng, chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh và được quản trị tốt.

Đây vừa là động lực vừa là sức ép để chính các doanh nghiệp nhà nước hướng đến các ngành, lĩnh vực mới; gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tự chủ, bền vững.

Theo VTV

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên