MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp niêm yết mới 'đếm trên đầu ngón tay'

Toạ đàm "Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán". Ảnh: VASB

Toạ đàm "Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán". Ảnh: VASB

Trao đổi tại toạ đàm Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngày 19/7, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đã tổ chức toạ đàm "Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán".

Phát biểu tại toạ đàm, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho biết, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động trực tiếp đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, sau 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ "đếm trên đầu ngón tay", rất hạn chế. Nguyên nhân sâu xa đến từ cả chủ quan lẫn khách quan.

Theo đó, ông Huỳnh cho rằng, nguyên nhân chủ quan là trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu khiến hoạt động doanh nghiệp đình đốn. "Doanh nghiệp còn đang chật vật để tồn tại thì lấy đâu tâm trí để nghĩ tới chuyện lên sàn", Phó Chủ tịch thường trực VASB nói.

Tuy nhiên, đại diện VASB cũng cho rằng, với thị trường chứng khoán còn non trẻ như Việt Nam thì quá trình "thanh lọc", tái cấu trúc là khó tránh khỏi. Đây là quy luật vận hành của thị trường chứng khoán ở tất cả các nước trên thế giới để hướng tới một môi trường chặt chẽ, minh bạch và an toàn hơn.

Theo đó, sau một thời gian tái cấu trúc, xử lý các sai phạm xảy ra, các giải pháp từ phía cơ quan quản lý, ông Huỳnh cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phục hồi, sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả, để doanh nghiệp gọi vốn và phát triển lâu dài, bền vững.

Về vấn đề thanh khoản, đại diện VASB cho rằng, trước những nỗ lực của Chính phủ, trong khoảng tháng 6, 7 đã có sự cải thiện, hồi phục đáng kể. Thanh khoản có phiên lên đến 19.000 tỷ đồng/phiên, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại. VN-Index từ vùng thấp chỉ 900 điểm, nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần.

"Nếu chính sách tiền tệ, tài khoá đi đúng hướng, thị trường sẽ cho chúng ta thấy kết quả tốt đẹp, VN-Index có thể lên 1300 - 1400 điểm như nhiều nhà quan sát, chuyên gia kinh tế đã dự báo", ông Phan Quốc Huỳnh nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, chia sẻ những khó khăn trong quá trình niêm yết trên thị trường, ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, đến nay, Hiệp hội có hơn 65.000 doanh nghiệp thành viên nhưng số lượng DN niêm yết hoặc đang trong giai đoạn tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết chỉ chiếm trên 1%. Phần lớn vốn hóa thị trường chứng khoán (khoảng 85%) đang nằm ở một nhóm doanh nghiệp lớn, còn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Theo đó, nguyên nhân tiên quyết để đại chúng hóa, niêm yết là vốn điều lệ.

Ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" doanh nghiệp nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi niêm yết.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thực tiễn, ông Như cho biết, có những doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Theo đó, có những nguyên nhân gây khó cho DN như yêu cầu đáp ứng lịch sử tăng vốn phải qua ngân hàng.

"Thực tế, quá trình tăng vốn của doanh nghiệp chia làm nhiều lần, nhiều giai đoạn, có những giai đoạn tăng vốn trước đây là bằng tiền mặt, không qua ngân hàng, trong khi lịch sử là không thể sửa lại khiến DN không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ. Cùng với đó, khi thực hiện kiểm toán, các công ty kiểm toán cũng không thể kiểm tra chính xác được những thời điểm tăng vốn đó nên cho đây là yếu tố "loại trừ", khiến hồ sơ DN trở thành không hợp lệ", ông Như nêu khó khăn.

Theo đó, ông này cho biết, có nhiều DN đã đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng như vốn điều lệ trên 30 tỷ, có trên 100 cổ đông nhưng lại nằm chơi vơi không thể niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo đó, ông Như đề xuất, cơ quan quản lý cần có các giải pháp theo gỡ vướng mắc trên thực tế mới có thể khơi thông điểm nghẽn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lên sàn.

Giải thích, làm rõ hơn trao đổi của ông Như, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB cho biết, đây là "chuyện muôn thuở" các doanh nghiệp gặp phải trong hàng chục năm qua khi làm hồ sơ niêm yết. Tuy nhiên, cần làm rõ, đây không phải là vấn đề cơ chế, chính sách mà là cách hiểu của cán bộ làm hồ sơ.

Theo đó, ông Huỳnh cho biết, theo Nghị định 78 của Bộ KH&ĐT, quá trình hoạt động của DN có thể trải qua 4-5 lần tăng vốn, nhưng lần tăng vốn cuối cùng là cơ sở để làm hồ sơ niêm yết, có giá trị xác nhận và những lần tăng vốn trước đó không cần xét tới.

Vì vậy, đại diện VABS khuyến nghị, nếu DN nào chuẩn bị niêm yết vẫn gặp vướng mắc về vấn đề này có thể báo cáo với lãnh đạo cơ quan quản lý để xử lý.

"Hiện nay, quan điểm của người đứng đầu Uỷ ban Chứng khoán là rất quyết liệt trên tinh thần xây dựng lại quy chế hoạt động để đồng hành cùng DN, hỗ trợ mọi điều kiện để DN thuận lợi lên sàn", ông Huỳnh nói.

Theo Đình Vũ

Nhà Đầu Tư

Trở lên trên