Doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cổ phiếu 'khóc ròng' vì lệnh cấm Margin
Gần 100 mã cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM đã bị áp dụng lệnh cấm giao dịch ký quỹ. Điều này khiến doanh nhiệp lẫn nhà đầu tư cổ phiếu thiệt hại nặng. Trong số các nguyên nhân, lệnh cấm Margin xuất phát từ sai phạm nghĩa vụ thuế đang có rất nhiều bất cập khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.
Cười ra nước mắt
Cho đến thời điểm này, có 91 mã cổ phiếu được liệt vào danh sách cấm giao dịch ký quỹ, 15 trong số đó xuất phát từ lý do vi phạm thuế. Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng việc Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM căn cứ vào quyết định của thuế vụ để áp lệnh cấm Margin là máy móc và chưa thấu tình đạt lý vì cơ chế thuế đang có nhiều bất cập.
Điều này dẫn đến tâm lý của các nhà đầu tư ảnh hưởng lớn dẫn đến giá cổ phiếu sụt giảm. Đơn cử như cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) từng giảm giá sàn 26.350 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 10/8, sau khi Công ty bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.Lường trước lệnh cấm Margin, nhà đầu tư cổ phiếu bán ồ ạt hơn 2,2 triệu đơn vị với giá sàn.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu PDR đã tăng trong 2 phiên sau đó, lần lượt 1,7% và 3,4%, lên 27.700 đồng/CP, khi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM tạm thời đưa PDR ra khỏi danh sách cấm Margin. Lý do là Cục Thuế TP.HCM có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán, trong đó nêu rõ PDR là doanh nghiệp chấp hành tốt luật thuế. Lỗi vi phạm là do không cố ý, do nhận thức sai về quy định thuế, một lỗi thường gặp của các doanh nghiệp. Như vậy, những nhà đầu tư bán cổ phiếu PDR với giá sàn trong phiên 10/8 bị thiệt lớn, tổng cộng hàng chục tỷ đồng.
Không may mắn như Phát Đạt, giá trị vốn hóa của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) rớt hàng chục tỷ đồng khi cổ phiếu quay đầu giảm giá hơn 20%, chủ yếu vì cổ phiếu không còn được margin khi Công ty bị phạt 1,5 tỷ đồng tiền thuế. Theo đại diện doanh nghiệp, Thủ Đức House không vi phạm pháp luật thuế mà do chậm tất toán về mặt hồ sơ thủ tục. Hiện tại, doanh nghiệp này đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng lệnh cấm Margin vẫn còn thời hiệu. Điều này khiến cổ phiếu của doanh nghiệp trồi sụt dù kết quả kinh doanh quý 3/2017 vượt kế hoạch năm.
“Đau khổ” nhất, có thể kể đến Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, chỉ sai một tờ hóa đơn dẫn đến bị xử phạt và áp lệnh cấm Margin. Việc này khiến cổ phiếu Rồng Việt (HOSE: VDS) ảnh hưởng lớn thời gian qua.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng lệnh cấm Margin xuất phát từ xử phạt thuế đang có nhiều bất cập
“Vơ đũa cả nắm”
Phản ứng của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết cho rằng, quy chế hiện tại quy định chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ không thuộc trường hợp là “Công ty niêm yết nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế”. Quy định này chỉ dừng lại ở mức độ rất chung chung, không có một phạm vi, mức độ cụ thể, do đó mà khi nhiều doanh nghiệp bị rơi vào trường hợp này đã khiến nhà đầu tư vô cùng bị động.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Phó Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sen Vàng (GLS), hiện nay doanh nghiệp áp dụng cơ chế tự kê khai, tự nộp và chịu hậu kiểm của cơ quan thuế. Vì vậy, những sai phạm rất dễ xảy ra, vì nhiều lý do khác nhau, như cách hiểu khác nhau về các quy định về thuế, những sai sót có thể phát sinh về ghi hóa đơn, hợp đồng… thậm chí cùng một vấn đề nhưng quan điểm của doanh nghiệp và cơ quan thuế khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau và từ đó gây ra sai sót.
Quy chế này không quy định một mức độ vi phạm cụ thể nên có thể hiểu một doanh nghiệp bị xử phạt từ 100.000 đồng cho đến 100 tỷ đồng hoặc hơn về thuế đều bị cắt margin trên thị trường chứng khoán, điều này là hoàn toàn không công bằng. Một doanh nghiệp niêm yết khi nhận quyết định của thuế thì trong vòng 24h phải công bố thông tin và ngay ngày hôm sau thì bị cắt margin.
"Như vậy sẽ rất không tốt cho thị trường chứng khoán nói chung, nhất là khi cổ phiếu đó là cổ phiếu nóng và với nhà đầu tư thì thiệt hại rất lớn bởi rằng sức mua trên thị trường của nhà đầu tư cá nhân có một phần đáng kể từ vốn margin. Do đó, một cổ phiếu dù tốt cỡ nào mà vướng phải quy định này chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng về giao dịch, đó là chưa kể về thương hiệu. Ngoài ra, đây là câu chuyện chưa có tiền lệ nên sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, thậm chí trong trường hợp cổ phiếu được cho giao dịch margin trở lại, nhà đầu tư chắc chắn sẽ rất e ngại”- ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, nên chăng cần có quy định cụ thể hơn về mức độ vi phạm thuế, chẳng hạn từ 5 tỷ, 10 tỷ trở lên hoặc phần khê khai thuế chiếm bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ thì cắt margin. Nếu vẫn giữ quy định này thì từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ còn nhiều cổ phiếu tốt khác cũng sẽ bị cắt margin do liên quan đến thuế.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất xem xét lại quy định cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ khi doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế nhà đầu tư thiệt chịu hại lớn khi một mã cổ phiếu bị cắt margin ngay sau khi doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm pháp luật về thuế.
Vietnamfinance