MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt hay xấu đang bị đánh đồng”

22-11-2022 - 14:44 PM | Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt cũng như xấu đang bị đánh đồng nên cần có giải pháp để tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường và cần thực hiện ngay.

TS.Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) chia sẻ góc nhìn về vấn đề nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp hiện nay, trong talkshow do báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Đề cập tới câu chuyện gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, thứ nhất thanh khoản hiện tại bị tắc nghẽn không nằm ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại (NHTM) vì họ vẫn đang luân chuyển tiền thông qua quản lý thị trường mở rất tốt còn thanh khoản giữa NHTM và các thành phần kinh tế khác mới đang là vấn đề. Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn mới đang là vấn đề tắc nghẽn.

Ông Tuấn cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận rất thực tế rằng, khó khăn trong việc tiếp cận vốn là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt với hơn 900.000 tỷ đồng của các tổ chức phi tài chính đã phát hành.

"Để gỡ nghẽn được thì chúng ta cần gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu. Trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên việc nó biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Nhưng với quy mô như hiện tại, việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường vốn khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm", ông Tuấn nêu quan điểm.

Vị này đề cập tới hai vấn đề cho giải pháp. Đầu tiên là room tín dụng, là một vấn đề NHNN nên có xem xét để điều chỉnh cho phù hợp và câu chuyện nên dài hạn hơn là ở những năm sau. Room tín dụng trong 2 năm qua là 14% nhưng thực tế triển khai không giao 14% cho tăng trưởng của từng NHTM là bao nhiêu từ đầu năm mà giao tỷ lệ nhất định tăng trưởng trong một giai đoạn nhất định rồi sau đó xem xét để giao tỷ lệ tăng trưởng tiếp.

Theo ông Tuấn, khi room tín dụng vẫn là một công cụ để kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường thì nên chăng linh hoạt hơn về room tín dụng trong thời gian tới bằng cách có thể giao một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho các NHTM từ đầu năm. NHNN có những tính toán và xem xét xem những NHTM nào đảm bảo các điều kiện để giao room từ đầu năm để các NHTM chủ động điều tiết trong room đó.

"Có những giai đoạn cao điểm NHNN chưa kịp nới room cho các NHTM để cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh của từng ngành thì sẽ không tiếp cận được. Tôi nghĩ rằng nếu có một tỷ lệ room từ đầu năm thì các NHTM sẽ chủ động hơn", lãnh đạo AAS chia sẻ.

Yếu tố thứ hai, theo ông Tuấn là cần phải xem xét là không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành mà chỉ nên bó cứng ở một số phân ngành có tính chất đầu cơ cao, đặc biệt là những phân ngành về đầu tư cổ phiếu.

Bất động sản cũng là một phân ngành phải lựa chọn xem nhóm ngành nào cần phải bó cứng room tín dụng. Những dự án bất động sản tốt không nên bó cứng, như vậy sẽ dẫn đến việc giá bất động sản thậm chí không giảm đi mà còn tăng lên và việc tiếp cận với bất động sản của những người có nhu cầu sẽ ngày càng khó bởi lượng cung trên thị trường ít.

Không quá lo ngại đáo hạn trái phiếu

Liên quan đến thị trường trái phiếu, chuyên gia của AAS nêu, chúng ta có Thông tư 16 của NHNN ban hành quy định NHTM nếu như phân phối trái phiếu cho các tổ chức khác thì sau một năm NHTM được mua lại trái phiếu đó của tổ chức khác phát hành. Điều này dẫn tới vai trò của tạo lập thị trường trái phiếu của ngân hàng bị hạn chế. Không phải nhà đầu tư nào cũng mua trái phiếu kỳ hạn dài và nếu cho NHTM được linh hoạt hơn trong việc mua lại trái phiếu đã bán ra của các tổ chức phát hành khác ngân hàng thì sẽ làm cho thanh khoản của thị trưởng trái phiếu tăng lên.

Vị này cho rằng, các quy định nên tập trung vào việc tăng thanh khoản của thị trường trái phiếu, không nên tạo ra những quy định siết thanh khoản của thị trường trái phiếu thì thị trường trái phiếu có khả năng sẽ tốt lên.

Hơn nữa, Thông tư 16 có quy định NHTM chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành nếu như trái phiếu đó phục vụ dự án đầu tư. Ông Tuấn đánh giá, đây là quy định chung chung bởi với doanh nghiệp bất cứ hoat động nào cũng có thể xem là dự án đầu tư kể cả vốn lưu động. Nên phải quy định rõ ràng hơn về dự án đầu tư là những hoạt động gì, cần nghiên cứu lại để sửa đổi và chi tiết hoá để việc vận hành được tốt hơn.

Ông Tuấn cũng nêu, Nghị định 65 của Bộ Tài chính sửa đổi đối với trái phiếu, nên hướng đến việc tạo ra sân chơi thu hút được nhiều người chơi hơn, đồng thời quy định để các hàng hoá được chất lượng hơn. Nên siết thêm những quy định về phát hành để tạo nên những hàng hoá chất lượng trên thị trường, hơn nữa, việc chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín nhiệm cũng cần được công bố rõ ràng để nhà đầu tư khi tiếp cận với trái phiếu doanh nghiệp có thể nhìn thấy ngay những rủi ro tiềm ẩn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính vừa trao đổi trong một hội nghị mới đây có nhấn mạnh, trái phiếu không phải tiền gửi tiết kiệm. Nhưng theo ông Tuấn, đúng là khi nhà đầu tư mua thì phải tự chịu trách nhiệm nhưng các quy định có liên quan đến tổ chức phát hành để phát hành hàng hoá ra thị trường nên chặt chẽ hơn để có những hàng hoá thực sự chất lượng.

Thêm nữa, vị này cho rằng, nên quy định người chơi nên có độ phổ rộng hơn, nên xem xét lạ điều kiện để nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào trái phiếu riêng lẻ hoặc các loại hình trái phiếu khác.

"Nên có thêm hành lang pháp lý để nhà đầu tư được xem là chưa chuyên nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, những nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp vẫn nên được tiếp cận đầy đủ thông tin của tổ chức phát hành để có thể nhận thức được những rủi ro và lợi nhuận như thế nào. Đây là ý kiến của tôi để làm sao thị trường trái phiếu được bền vững hơn và niềm tin của nhà đầu tư có thể quay trở lại", lãnh đạo AAS cho biết.

Ông Tuấn đánh giá, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt cũng như xấu đang bị đánh đồng nên cần có giải pháp để tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường và cần thực hiện ngay. Những doanh nghiệp đủ tốt phát hành ra trái phiếu trên thị trường hiện đang bị ảnh hưởng bởi thị trường chung vậy có nên chăng tổ chức ra những quỹ hoặc các đơn vị giống như VAMC trước đây để có thể tham gia tái cơ cấu thị trường trái phiếu trong giai đoạn khó khăn như hiện tại.

Theo ông Tuấn, không nên hạ chuẩn đối với hoạt động phát hành trái phiếu mà nên mở độ rộng của thị trường cho các nhà đầu tư có thể tham gia và tiếp cận. Điều này mang tính chất bền vững hơn đối với thị trường và thời điểm hiện tại rất cần các quỹ hỗ trợ như Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm và dòng tiền của quỹ phải lấy từ ngân sách nhà nước. Việc lựa chọn thẩm định cần kỹ càng, chọn những trái phiếu tốt để hỗ trợ thanh khoản cho những trái phiếu này.

"Một vấn đề được quan tâm là liệu các tổ chức phát hành sẽ thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn trong 2 năm tới như thế nào. Bản thân thị trường tín dụng và thị trường tiền tệ cũng như vậy, ngân hàng có linh động trong việc đàm phán gia hạn đối với những khoản nợ đến hạn đó, vậy nên chúng ta không nên quá lo ngại hay hoảng sợ việc trái phiếu ồ ạt đến hạn thì làm thế nào. Nên có những quy định về việc các tổ chức phát hành có những hội đồng trái chủ để có thể có những thoả thuận đàm phán với trái chủ để trong lúc khó khăn hội đồng trái chủ có thể đồng ý gia hạn thanh toán chi trả cho trái chủ", ông Tuấn nêu quan điểm.

Theo Huyền Châm

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên