Doanh nghiệp tâm tư gì bên lề “Hội nghị Diên hồng”?
Trao đổi bên lề Hội nghị, nhiều doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm vừa qua và kỳ vọng nhiều ở năm 2017, song họ vẫn còn đôi điều tâm tư muốn nhắn gửi.
Ngày 17/5 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2017, chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hội nghị quy tụ hơn 2.000 đại biểu tham dự trực tiếp, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân là 1.500 đại biểu cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…
Tham luận tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đều có những kiến nghị rất cụ thể với kỳ vọng một Chính phủ kiến tạo sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh trong năm nay. Tuy nhiên song song đó cũng có những ý kiến của doanh nghiệp còn chưa nhận được sự ủng hộ của các đại biểu, ví dụ như đề xuất về thu hồi đất...
Đại diện các địa phương, các bộ, ban, ngành, Chính phủ cũng có ý kiến trong đó nhiều ý kiến được hưởng ứng nhiệt tình. Chẳng hạn mỗi ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đều nhận được một tràng pháo tay rầm rộ từ hàng nghìn đại biểu, nhất là cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp; cố gắng không hình sự hóa các sai phạm kinh tế, hành chính…
Trao đổi bên lề Hội nghị, nhiều doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm vừa qua và kỳ vọng nhiều ở năm 2017, song họ vẫn còn đôi điều tâm tư muốn nhắn gửi.
Bà Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Golden Sun (nhà phân phối độc quyền thời trang, trang sức cao cấp Korloff và Barishidi Paris)
Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn ở Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bà Nguyễn Thanh Thủy
Tham gia các hội nghị tiếp xúc với Chính phủ, được nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và được Chính phủ ghi nhận là niềm vinh hạnh với các doanh nghiệp chúng tôi. Hội nghị lần này có đề cập đến nhiều vấn đề mà doanh nghiệp đang rất quan tâm, rất thiết thực đó là các vấn đề về thuế, về chi phí, về thủ tục hành chính và thủ tục hải quan... Điều quan trọng nhất là sau khi đưa ra ý kiến, được tiếp nhận, Chính phủ sẽ quan tâm, hỗ trợ và thực hiện cải cách những điều đó ra sao? Sự phối hợp thực hiện và cải tiến từ trong chính các doanh nghiệp như thế nào?
Như hội nghị năm ngoái, có nhiều ý kiến được đưa ra nhưng việc thực hiện dù có cải tiến song chưa được nhiều... Tôi hi vọng với Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có sự quan tâm sát sao hơn với các đề xuất của doanh nghiệp, sẽ có những động thái rõ ràng hơn, thiết thực hơn.., để các doanh nghiệp như chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở thay đổi, cải biến mang lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế đất nước.
Tôi cũng lưu ý rằng, với những cải biến của Chính phủ thì không phải ngày một ngày hai sẽ có biến chuyển ngay, mà doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi dù tiếng nói của họ đã được ghi nhận. Nhưng tôi lạc quan rằng với Chính phủ kiến tạo, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi sẽ không phải chờ đợi lâu.
Riêng với ngành của chúng tôi là phân phối các sản phẩm luxury, áp lực hiện nay là sức mua giảm đi rất nhiều, thị trường tiêu dùng chững lại và tôi cũng chưa kỳ vọng ở 2017 sẽ khởi sắc mà sẽ chờ năm 2018 với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự cải tiến của bản thân các doanh nghiệp, mọi người cùng có suy nghĩ và hành động tốt đẹp thì nền kinh tế sẽ tốt hơn, qua đó doanh nghiệp của chúng tôi cũng sẽ kinh doanh tốt hơn, có hiệu quả hơn.
Ông Don Lam - Giám đốc Điều hành VinaCapital
Doanh nghiệp đã phấn khởi hơn
Tôi thấy rằng Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp kỳ này các doanh nghiệp có vẻ phấn khởi hơn. Nhiều doanh nghiệp vào vấn đề, đề nghị rất chính xác, chi tiết, yêu cầu Chính phủ và Nhà nước cần phải thay đổi.
Thủ tướng cũng rất gần gũi với doanh nghiệp. Tôi đánh giá cao sự kiện này bởi đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ
Doanh nghiệp vẫn còn nhiều cản trở
Trong thời gian 1 năm qua, doanh nghiệp cảm thấy có niềm tin và phấn khởi hơn khi Chính phủ đã quan tâm gỡ rối các vấn đề của doanh nghiệp. Tất nhiên không phải một sớm một chiều có thể xử lý được hết các vấn đề, nhưng những bước đi vừa qua cho thấy có niềm tin hơn.
Đi vào cụ thể ngành thì việc gỡ rối những năm qua vẫn còn lâu. Chẳng hạn trong kinh doanh vàng bạc có cả kinh doanh vàng và trang sức. Các nước trong khu vực phát triển trước chúng ta hàng chục năm họ có thị trường phát triển mạnh, trong khi chúng ta chưa có gì rõ nét, chưa có sự quan tâm. Khi nói đến ngành vàng dường như vẫn còn định kiến, lẫn lộn giữa đầu cơ vàng với kinh doanh trang sức cho nên những chính sách cho ngành này phát triển là không thấy mà còn thấy cản trở.
Bà Cao Thị Ngọc Dung
Chẳng hạn như làm kinh doanh vàng phải vay vốn để mua nguyên liệu nhưng lại bị cấm. Gần đây Chính phủ và NHNN đã có thông tư gỡ bỏ điều này nhưng vẫn còn chưa rõ ràng nên các ngân hàng còn chưa mạnh dạn trong việc cho vay. Quy định không cho vay vốn mua vàng miếng,, nhưng ngân hàng còn chưa rõ thế nào là cho vay mua vàng miếng, vàng trang sức, vàng nguyên liệu, điều đó gây khó khăn cho chúng tôi.
Hay như một năm Việt Nam sản xuất mười mấy tấn vàng trang sức, trong đó riêng PNJ sản xuất nguyên liệu 5-6 tấn vàng nhưng không có chính sách cho nhập khẩu, chúng tôi phải mua trên thị trường rất khó về chứng từ, hóa đơn…để lý giải với ngành thuế.
Một vấn đề nữa là trong hoạt động bán lẻ, việc huấn luyện, tập trung cho nhân sự bán lẻ hiện đại chưa được chú trọng hay tóm lại là chưa quan tâm đến việc dạy nghề. Hiện bán lẻ đòi hỏi phải có kỹ thuật nhưng chẳng có trường lớp nào đào tạo. Các DN nước ngoài họ có bài giảng, mô hình đào tạo huấn luyện còn DN bán lẻ Việt Nam phải tự học hỏi, tự đào tạo rất khó khăn vì như thế chẳng có chuẩn nào lại còn tốn chi phí.
Với chính phủ kiến tạo năm nay, thì cũng không thể ngày một ngày hai mà kỳ vọng hoàn toàn vào sự thay đổi lớn. Tôi lạc quan rằng năm qua chúng ta đã có sự thay đổi thì năm nay sẽ có thay đổi tốt hơn. Vấn đề quan trọng là con người, con người và con người.
Ở Chính phủ, công tác cán bộ cũng phải cải cách, phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá. Doanh nghiệp cũng đang phải có chỉ số đánh giá hiệu quả KPI của từng người. Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần có tiêu chuẩn về công chức, có mô tả, thước đo cán bộ như doanh nghiệp, nếu thế thì sẽ tạo được sư thay đổi lớn cho xã hội.
Ông Phạm Văn Sơn – Tập đoàn Đức Hạnh (Thái Nguyên) BMG – chuyên sản xuất kinh doanh thuốc thú ý, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi
Ông Phạm Văn Sơn
Chúng tôi chỉ cần bình đẳng với DN nước ngoài
Nhìn lại một năm qua sau cuộc đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp lần một, chúng tôi thấy rằng các thủ tục về hành chính đã được giải quyết thông thoáng hơn so với thời gian trước.
Mỗi năm Chính phủ có một buổi hội nghị như thế này là rất tốt, doanh nghiệp có thể đóng góp ý kiến vào chính sách, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển, nhất là trong xu thế hội nhập.
Thời gian qua người ta nói rất nhiều đến việc doanh nghiệp nước ngoài được ưu ái hơn, tôi thấy điều đó là không phù hợp. Tại sao chúng tai lại phải ưu tiên doanh nghiệp nước ngoài hơn? Chúng tôi muốn được đối xử bình đẳng, một môi trường kinh doanh bình đẳng và chỉ cần bình đẳng chứ không cần ưu ái hơn.
Bà Nguyễn Hương Lan, Giám đốc chuỗi nhà hàng Nhật Bản NewSake
Bà Nguyễn Hương Lan
Mong Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ nhiều hơn
Trước kia Chính phủ vẫn quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 90%, nên tôi hi vọng Chính phủ sẽ quan tâm tới chúng tôi nhiều hơn để tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.
Với ngành công nghiệp không khói, áp lực cạnh tranh hiện là rất lớn khi nhu cầu kinh doanh dịch vụ nhà hàng đang sôi động hơn bao giờ hết, việc được tạo điều kiện sẽ giúp chúng tôi vững tin hơn trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Hiền – Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình
Trong ngày hôm nay tôi vẫn chưa thấy có ý kiến nào của doanh nghiệp đưa ra giải pháp cụ thể. “Căn bệnh” về thủ tục vẫn chưa được chẩn đoán rõ ràng nên chưa thể đưa ra được biện pháp chữa trị hợp lý.
Nhưng tôi hi vọng với các thông điệp của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng, các doanh nghiệp sẽ được thông thoáng hơn.
Ông Nguyễn Hữu Hiền
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, tôi chưa kỳ vọng vào sự phát triển và ổn định bền vững của nó vì vẫn còn khá nhiều vấn đề. Chẳng hạn Bộ Tài chính vừa đưa ra ý kiến về 60 dự án mà ý họ là muốn dừng để thanh tra. Nhưng cái sai ở đây là quy trình giao đất, chuyển đổi sở hữu chứ không phải dự án không có giấy phép xây dựng. Chính vì thế, việc thanh tra thì cứ thanh tra chứ không thể dừng dự án để phục vụ thanh tra. Nếu đình lại như vậy sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy với chủ đầu tư, nhà thầu. Ngành xây dựng vốn dĩ thu hút lực lượng lao động phổ thông rất lớn, việc đình lại hoạt động sẽ kéo theo hàng chục, hàng trăm nghìn lao động và kéo theo là hàng trăm nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng theo.
Liên quan đến vấn đề lao động đề cập ở trên, tại hội nghị này chúng tôi cũng muốn kiến nghị với Chính phủ cách giải bài toán đó. Trên thế giới họ đang muốn thu hút nhà thầu nước ngoài và đây thực sự là cơ hội của Việt Nam. Nếu thị trường bất động sản trong nước bị chững lại doanh nghiệp có thể giải quyết được vấn đề lao động của mình bằng cách dịch chuyển ra các dự án ở nước ngoài. Ngoài ra, khi các nhà thầu phát triển cũng sẽ kéo theo hàng loạt các ngành khác phát triển theo như vật tư, cơ khí, cơ điện…, thậm chí cả ngân hàng.
Trí Thức Trẻ
- Bà Mai Thanh: “Chính phủ đã tạo ra cơ hội cho REE và tôi hy vọng vì dân tộc Việt Nam, tất cả chúng ta cùng có trách nhiệm với công việc mình đang làm”
- Cuộc đối thoại đúng nghĩa và món quà của Thủ tướng
- 10 phát ngôn ấn tượng của doanh nhân tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017
- “Hội nghị Diên Hồng” 2017: Khi Thủ tướng làm liền tay!
- Nợ xấu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, tỷ lệ cao lại rơi vào doanh nghiệp lớn