Doanh nghiệp tăng đãi ngộ để hút lao động
Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút và giữ chân lao động trong giai đoạn này.
- 27-08-2022Sắp hoàn thành công trình đường dây điện 220kV vượt biển dài nhất Đông Nam Á
- 27-08-2022Thêm đôi cánh cho TP HCM (*): Thời cơ mới để đột phá
- 27-08-2022Từ vị trí gần cuối bảng, một tỉnh tăng 46 bậc trên bảng xếp hạng năng lực điều hành kinh tế
Ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập". Tại hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh các giải pháp cụ thể để phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.
Thực tế, thị trường lao động ở Việt Nam dù đã có những bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn còn thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững. Con người là yếu tố quyết định trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, phát triển thị trường lao động cần được ưu tiên vào lúc này.
Doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng
Theo báo cáo này của trang tìm kiếm việc làm Vietnamworks thuộc thuộc Navigos Group, gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó trong tuyển dụng 6 tháng đầu năm. Điều này làm tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng cao.
87% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó trong tuyển dụng 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Cụ thể, tỷ lệ thiếu hụt tại TP Hồ Chí Minh là gần 23% và tại Hà Nội là gần 15%. Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về dịch vụ - xây dựng, kiến trúc - bất động sản - bán buôn, bán lẻ - nhà hàng/khách sạn/du lịch, công nghệ thông tin…
Doanh nghiệp công nghệ thiếu hụt nhân sự
Ghi nhận của phóng viên VTV tại một số doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin cũng đã cho thấy thực tế này.
Năm 2020, Công ty cổ phần VMO Holdings chỉ có khoảng 200 nhân sự. Đến thời điểm này, doanh nghiệp có khoảng 1.200 người và vẫn còn đang tăng thêm. Đại diện doanh nghiệp cho biết thời điểm này nhu cầu tuyển dụng đang tăng cao, tuy nhiên vẫn còn đó một số khó khăn và thách thức.
Theo đại diện doanh nghiệp, ứng viên nhiều nhưng người đáp ứng các tiêu chí đếm trên đầu ngón tay. Bởi với một số vị trí, các kỹ sư công nghệ thông tin, ngoài kỹ năng lập trình, còn phải thông thạo cả ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh hay tiếng Nhật.
"Cứ đến cuối năm, chúng tôi nhận nhiều dự án. Trung bình 1 tháng chúng tôi tuyển dụng từ 100 - 120 nhân sự. Tuy nhiên 100% nhân sự đáp ứng kỳ vọng khách hàng thì chưa được. Nhiều bạn chúng tôi phải training rất nhiều", bà Phạm Thị Nhung, Giám đốc nhân sự, Công ty cổ phần VMO Holdings, cho biết.
Không chỉ ngoại ngữ, sự thiếu hụt kỹ năng mềm của nhiều ứng viên cũng là cái khó cho các doanh nghiệp khi muốn tuyển dụng.
NashTech Việt Nam liên tục tuyển từ 80 - 100 người mỗi tháng từ đầu năm đến nay, tuy nhiên số lượng nhân sự đáp ứng nhu cầu công việc không được bao nhiêu.
"Trong ngành này chúng ta làm không chỉ 1 người đưa ra sản phẩm, mà là rất nhiều người cùng làm việc, cộng tác với nhau. Các trường đại học chú trọng đào tạo kiến thức nền rất kỹ, nhưng lại chưa chú trọng ngôn ngữ, lập trình hiện đại. Dù chúng ta có nguồn nhân lực ra trường dồi dào, nhưng trong số đó để có thể làm việc được ngay thì rất ít", ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành NashTech Việt Nam, cho hay.
Theo thống kê của TopCV, các công ty công nghệ nằm trong top các lĩnh vực thiếu hụt nhân sự, lên đến 49,8% trong năm 2021.
Thời điểm cuối năm, các công ty công nghệ thường ưu tiên tuyển dụng những kỹ sư có kinh nghiệm, làm được việc ngay để đáp ứng lượng đơn hàng, dự án tăng cao.
89% doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng
Thiếu nhân lực là một bài toán nan giải cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh đang cần được đẩy mạnh khi thị trường bắt đầu phục hồi. Các doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình tuyển dụng của mình trong những tháng còn lại trong năm.
89% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnamworks cho biết họ sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm tủy theo quy mô và nhu cầu. Trong đó, các doanh nghiệp có quy mô từ 300 - 1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50 - 60%.
Thêm vào đó, có đến hơn một nửa doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài. Ngoài ra, họ còn hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới, chăm sóc sức khỏe - bảo hiểm, linh động về thời gian và địa điểm làm việc. Nhiều chính sách đã được các doanh nghiệp đưa ra để thu hút và giữ chân lao động trong giai đoạn này.
Giải pháp thu hút lao động cuối năm
Từ giờ đến cuối năm, Tập đoàn Pro-Sport cần tuyển dụng thêm 500 lao động cho nhà máy đang hoạt động và tuyển dụng mới 2.000 lao động từ tháng 10 đến hết năm sau cho nhà máy mới. Tuyển dụng nhiều, chế độ cũng rất tốt để cạnh tranh hút nhân sự.
"Năm nay chúng tôi đã thực hiện lần tăng lương đầu tiên vào tháng 5/2022 và cuối năm nay, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh mức lương để làm sao mỗi 1 năm trôi qua, người lao động sẽ nhận được thành quả tốt hơn. Đặc biệt, khi người lao động bước chân vào doanh nghiệp, chúng tôi tạo cho họ lộ trình công danh để có thể phấn đấu", ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Pro-Sport, cho biết.
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, những ngành nghề cuối năm có nhu cầu tuyển dụng tăng gồm: công nghệ thông tin, bán buôn - bán lẻ, công nghiệp chế biến - chế tạo. Các doanh nghiệp đã bổ sung thêm nhiều phúc lợi để thu hút lao động.
"Có những doanh nghiệp đưa ra nét tương đối mới, đấy là cảm nhận của chúng tôi, đó là việc hỗ trợ người lao động xe về quê, kinh phí. Có thể trong 1 tháng cho về quê một lần. Dù nhỏ, nhưng đó là nét kích thích, động viên", ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, cho hay.
Đại diện Navigos Search cho rằng, ngoài việc xây dựng được chế độ đãi ngộ cạnh tranh, để thu hút và giữ chân lao động, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến "thương hiệu nhà tuyển dụng".
"Làm sao chúng ta có thể khác biệt được giữa công ty A với công ty B, cùng là doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Việc xây dựngà thương hiệu nhà tuyển dụng là yếu tố mà hiện nay nhiều công ty đã tiến hành đầu tư, kể cả về tiền, của để làm sao thu hút người lao động hơn. Bên cạnh đó, các công ty đã thay đổi cách thức tiếp cận với người lao động. Nhiều doanh nghiệp có thể tuyển cả nghìn người thông qua kênh online, digital", bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền bắc Navigos Search, thông tin.
Cũng theo khảo sát của Navigos, 40% doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển người lao động có 2 năm kinh nghiệm trở lên, 28% ưu tiên tuyển người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm và 24% sẽ tuyển dụng các cấp bậc Trưởng nhóm/Giám sát.
Giải pháp nâng cao chất lượng thị trường lao động
Trở lại với nội dung trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập" tuần trước, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 20%.
Tỷ lệ này so với các nước có thu nhập trung bình còn thấp. Các cơ quan quản lý, đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị cũng đã đưa ra nhiều góp ý để nâng chất cho thị trường lao động.
Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nắm bắt nhu cầu thị trường là vấn đề trọng tâm để phát triển bền vững chất lượng lao động.
"Trong thời gian tới, chúng ta phải xác định được yêu cầu của thị trường lao động cả số lượng, chất lượng chuyển dịch như thế nào, xuất phát từ chuyển dịch cơ cấu đầu tư và quá trình hiện đại hóa, từ đó xác định với nguồn nhân lực như vậy phải đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục", ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay.
Nắm bắt nhu cầu thị trường là vấn đề trọng tâm để phát triển bền vững chất lượng lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sau ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp, địa phương đã tập trung tuyên truyền để động viên người lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra, mức lương thưởng cũng được cân nhắc điều chỉnh phù hợp để thu hút lao động.
"Để đạt được kết quả như mong muốn, thời gian tới, chúng tôi đề xuất đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, coi đây là nhiệ vụ trọng tâm. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải cải thiện lương thu nhập cho người lao động để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Các điều kiện hỗ trợ hạ tầng nhà ở, nhà trẻ cần phải được quan tâm giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định.
"Chính phủ cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm sao để tạo cơ chế khuyến khích tốt nhất tạo nên việc làm cho người lao động, làm thế nào giữ chân được người lao động, cần phải có thể chế đảm bảo được sự chuyển động của thị trường lao động hiện nay", Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nhấn mạnh.
Tại hội nghị vừa qua, trong 9 giải pháp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển thị trường lao động bền vững, có tới 4 giải pháp liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ đang dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề và dự kiến sẽ bố trí thêm.
VTV